Nâng tầm của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam

15:37' - 02/10/2024
BNEWS NIC khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục Đại học trong hành trình thực hiện mục tiêu “xây dựng đất nước hùng cường” tới đây

Phát biểu tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục Đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác”, tổ chức ngày 2/10, tại Láng Hòa Lạc, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) một lần nữa khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục Đại học nói riêng và đổi mới sáng tạo nói chung trong hành trình thực hiện mục tiêu “xây dựng đất nước hùng cường” tới đây. Đồng thời, tin tưởng về hiệu quả phối hợp trong hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao giữa các trường Đại học trong nước và quốc tế cùng NIC.

Chia sẻ một số mô hình đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ hiện nay tại Hội thảo, ông Hub Langstaff, Giám đốc Chương trình SwissEP tại Việt Nam, chương trình hỗ trợ của Thụy Sỹ về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp triển khai ở 7 nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam đã nhấn mạnh tới tiềm năng to lớn của đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay. Cùng đó, nêu một số khuyến nghị cần triển khai khắc phục để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự phát huy hiệu quả.

Đồng quan điểm này, TS. Sarah Mamiese, Giám đốc AFD Campus, cơ quan phát triển Pháp đánh giá cao tới các hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là với việc hình thành phát triển NIC như một biểu tượng thành công của đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai cùng với tinh thần nhiệt huyết đam mê đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

TS. Sarah cũng chia sẻ về đổi mới và mô hình hiện nay liên quan tới đổi mới sáng tạo Việt Nam đang theo đuổi, đồng thời, nhấn mạnh rằng, đổi mới là yếu tố quyết định trong bối cảnh cả thế giới đang tỉm kiếm giải pháp để phát triển hiệu quả bền vững, phát triển kinh tế mà không gia tăng tác động đến môi trường.

“Hiện nay, các định hướng kinh tế tuần hoàn có thể cho phép dung hoà phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và nhân loại….do đó, việc tiến hành hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng tiếp cận đổi mới để tìm ra các giải pháp thực sự hiệu quả, tránh bẫy đổi mới và làm chủ đổi mới vì một tương lai tốt đẹp là hết sức cần thiết”, TS. Sarah cho hay.

TS. Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch VNEI, Tổng giám đốc BK Holdings, Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất về việc có thể đưa các lãnh đạo của các trường Đại học của Việt Nam đi thăm quan, khảo sát thực tế các mô hình đổi mới sáng tạo của các trường Đại học trên thế giới.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Trường Đại học FPT cho rằng, "chúng ta tránh các ý tưởng đổi mới sáng tạo chỉ dành trên ý tưởng, mang giá trị “vị nghệ thuật”, chỉ phục vụ cho các cuộc thi, thay vào đó, đổi mới sáng tạo phải mang lại giá trị cho cuộc sống, tạo ra giá trị cho cộng đồng”.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, về mặt chính sách, TS. Trần Nam Tú, Phụ trách Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong hệ thống giáo dục Đại học hiện nay, cần nghiên cứu thống kê lại có bao nhiêu cơ sở có điều kiện triển khai đổi mới sáng tạo trong giáo dục và có những cơ sở nào có điều kiện mà không triển khai đổi mới sáng tạo bởi thực tế cho thấy, đổi mới sáng tạo còn phụ thuộc vào không chỉ cá nhân mà còn cả tập thể lãnh đạo cùng môi trường của cả hệ thống. Từ đó, Chính phủ sẽ có cái nhìn tổng thể, đa chiều về đổi mới sáng tạo trong các trường Đại học hiện nay, góp phần điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý.

“Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ ban hành 2 đề án về “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” và “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, TS. Trần Nam Tú chia sẻ.

Hai đề án này đều hướng tới việc chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ đông đảo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

“Cách mạng công nghệ lần thứ tư đặc biệt sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động và thị trường lao động. Hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng sự chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động, điều này sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp”, TS. Tú cho hay.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã công bố 15 thành viên mới của Mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) nâng tổng số thành viên mạng lưới lên là 71 (trước đó, từ năm 2023, VNEI chỉ có 31 thành viên). Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các chương trình thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 5 năm thành lập NIC và Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 do NIC phối hợp với VNEI đồng tổ chức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục