Nếu cải cách, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt hơn 7.000 USD

15:24' - 23/02/2016
BNEWS Ngân hàng Thế giới dự báo nếu thực hiện cải cách, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2035 là hơn 7.000 USD, tăng hơn 3 lần mức đạt được năm 2014.
Họp báo công bố báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ". Ảnh: Hải Yến/BNEWS/TTXVN
Tại buổi công bố báo cáo Việt Nam năm 2035 do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 23/2 tại Hà Nội, WB dự báo nếu thực hiện cải cách, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035 của Việt Nam là hơn 7.000 USD (hoặc hơn 18.000 USD tính theo sức mua tương đương), tăng hơn 3 lần mức đạt được năm 2014. Trường hợp không cải cách, dự báo thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035 tối đa là 4.500 USD (hoặc 12.000 USD tính theo sức mua tương đương). 
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, để cụ thể hóa được mục tiêu này, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định trong 20 năm tới với mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng 7%. Theo Bộ trưởng, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động. 
Vì vậy, Việt Nam phải tập trung cao độ để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền kinh tế thị trường và đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh, trong tiếp cận vốn, đất đai tài nguyên và thông tin... 
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng, tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường bền vững và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế giúp Viêt Nam tăng trưởng nhanh; phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh sẽ giúp Việt Nam giữ vững được thành tích ấn tượng về bình đẳng và hòa nhập xã hội. Báo cáo cũng gợi ý, Việt Nam cần xây dựng thể chế hiện đại và minh bạch là những bước có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu. 
Đánh giá lại quá trình phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế bao cấp tự túc, kiệt quệ trong chiến tranh trở thành nền kinh tế năng động, điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư trên thế giới. K hát vọng của nhân dân Việt Nam về một tương lai tươi sáng dân giàu, nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh, nền kinh tế thịnh vượng đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn, thôi thúc Đảng và Nhà nước phải đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ. 
"Việt Nam nên làm gì để nắm bắt thời cơ và vượt qua thử thách, phát huy có hiệu quả nhất lợi thế và nguồn lực để phát triển vươn lên mạnh mẽ, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đảm bảo công bằng xã hội để người dân có đủ điều kiện phát huy năng lực và giá trị của mình, trở thành mảnh đất đáng sống tuy không giàu có về vật chất. Câu hỏi đó được đặt ra thảo luận sôi nổi ở nhiều nơi và là tiền đề để Việt Nam và Ngân hàng Thế giới xây dựng báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, công bằng và dân chủ." - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ. 
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực hiện công bố báo cáo quan trọng này với những vấn đề vừa có tính thời sự, chiến lược như năng lực cạnh tranh, năng suất lao động; khí hậu môi trường, an sinh xã hội, đô thị hóa… Những khuyến nghị trong báo cáo sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách. Việt Nam triển khai một cơ chế theo dõi đánh giá kết quả vận dụng kiến nghị của báo cáo đồng thời nghiên cứu sâu hơn, cập nhật vấn đề quan trọng đối với quá trình phát triển./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục