Nga hạ yêu cầu bán ngoại tệ bắt buộc đối với nhà xuất khẩu

16:44' - 24/06/2024
BNEWS Chính phủ Nga đã hạ mức sàn về yêu cầu bán ngoại tệ đối với các công ty xuất khẩu từ 80 xuống 60%.

Động thái nhằm ổn định tỷ giá đồng nội tệ và đảm bảo tính thanh khoản ngoại tệ sau biện pháp trừng phạt mới đây của phương Tây.

 

Trước đây, các công ty xuất khẩu lớn được yêu cầu phải chuyển ít nhất 80% số ngoại tệ nhận được theo hợp đồng ngoại thương vào tài khoản tại các ngân hàng được chỉ định. Bây giờ ngưỡng này đã giảm xuống còn 60%. Biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 30/4/2025.

Việc sửa đổi quy định bán thu nhập ngoại tệ của các nhà xuất khẩu diễn ra hơn một tuần sau khi phương Tây mở rộng lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực tài chính Nga. Vào ngày 12/6, Mỹ đã đưa ra các hạn chế đối với Sở giao dịch Moskva và Trung tâm thanh toán bù trừ quốc gia (NCC). Giao dịch bằng USD và euro không còn được thực hiện ở các sàn này.

Yêu cầu các nhà xuất khẩu lớn của Nga phải bán phần lớn thu nhập ngoại tệ có hiệu lực từ tháng 10 năm ngoái, áp dụng cho 43 nhóm công ty trong các lĩnh vực luyện kim màu và kim loại màu, sản xuất ngũ cốc, lâm nghiệp và hóa chất, cũng như các lĩnh vực liên hợp nhiên liệu và năng lượng. Tên của các công ty này không được tiết lộ.

Vào tháng 4 năm nay, biện pháp này đã được gia hạn thêm một năm. Đồng thời, tăng thời hạn bán lên 120 ngày “kể từ ngày giao hàng cho đối tác nước ngoài, thực hiện dịch vụ theo hợp đồng ngoại thương”.

Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng quy định bán ngoại tệ từ xuất khẩu sẽ hỗ trợ đáng kể cho đồng ruble. Theo ước tính của cơ quan quản lý, vào tháng 5/2024 (dữ liệu mới nhất), doanh thu ròng bằng ngoại tệ của 29 công ty xuất khẩu lớn nhất của Nga đạt 14,9 tỷ USD. Doanh thu ròng trung bình ngày trong cùng tháng lên tới 743 triệu USD. Tỷ lệ bán so với doanh thu ngoại tệ của các công ty xuất khẩu lớn nhất trong tháng 3/2024 đạt 97%.

Sau các lệnh trừng phạt đối với Sở giao dịch Moskva, các nhà xuất khẩu mất cơ hội bán doanh thu USD và euro trực tiếp tại các cuộc đấu giá, các giao dịch này bắt đầu do các ngân hàng thực hiện. Ngoài ra, hệ thống tỷ giá hối đoái đã thay đổi: giờ đây, vị thế của đồng ruble so với đồng USD và đồng euro được xác định không phải trên sàn giao dịch mà trên cơ sở dữ liệu ngân hàng ngoài sàn giao dịch được Ngân hàng Trung ương thu thập và ấn định tỷ giá hối đoái chính thức mỗi ngày một lần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục