Ngăn chặn tội phạm mua bán người: Bài cuối - Để Tây Nguyên mãi yên bình

15:39' - 12/07/2022
BNEWS Vụ lừa đảo "việc nhẹ, lương cao" đưa người xuất cảnh trái phép đang được lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý sai phạm của những đối tượng có liên quan.

Sau sự việc, những thanh niên trong làng Kloong nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung, đã rút ra bài học để đời. Cùng với đó, lực lượng chuyên môn và cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đã khẩn trương vào cuộc, nhanh chóng cảnh báo người dân về những hình thức lừa đảo để bà con cảnh giác.

 

Sau vụ việc, buôn làng Tây Nguyên sẽ trở lại nhịp sống hiền hòa vốn có, với những con người cần cù lao động trên chính mảnh đất của mình và sẽ không còn ai ôm mộng "việc nhẹ, lương cao".  

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai, chiêu trò của những đối tượng này là lừa tuyển lao động ra nước ngoài làm việc nhẹ với mức lương cao, chỉ cần biết sử dụng máy vi tính. Hình thức tuyển lao động ra nước ngoài làm việc thực chất là lừa đảo, giữ người trái phép.

Các đối tượng thông qua hợp đồng giao chỉ tiêu, ép các nạn nhân đi lừa đảo người khác. Khi không đạt chỉ tiêu thì bị ép nộp phạt, thậm chí đánh đập, đe dọa. Đa số các nạn nhân bị lôi kéo sang Campuchia làm công việc trên đều không hoàn thành chỉ tiêu theo hợp đồng, khi nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì các đối tượng yêu cầu liên hệ với gia đình trả tiền bồi thường hợp đồng và tiền phạt vi phạm hợp đồng mới cho về.

Sau khi tiếp nhận đối tượng Trần Quang Quyết (đầu thú từ Đồn Biên phòng Ia O) và bắt tạm giam đối tượng Phan Ngọc Đức, mở rộng điều tra, Công an tỉnh Gia Lai đã lên kế hoạch cho chuyên án bóc gỡ đường dây buôn người qua biên giới.

Theo Thượng tá Ngô Gia Cường, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai, qua vụ việc đáng tiếc này, đơn vị cảnh báo đến người dân không nên vội tin các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội mà phải tìm hiểu kỹ nội dung công việc, địa chỉ cụ thể tránh trường hợp bị lừa gạt, bán sang Campuchia.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ các thủ đoạn lừa đảo của bọn mua bán người, đơn vị đề nghị hệ thống chính trị địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân và đề nghị các nhà mạng viễn thông tuyên truyền cụ thể các thủ đoạn lừa đảo đến từng số thuê bao người dân.

Đồng thời, lực lượng chức năng ở Cửa khẩu và Đồn Biên phòng cần tăng cường tuần tra, phối hợp, kiểm soát khu vực biên giới, tránh trường hợp bọn mua bán người đưa nạn nhân vượt biên trái phép và có các hành vi vi phạm pháp luật.

Là đơn vị chủ công trong việc nắm bắt tình hình, hỗ trợ các nạn nhân trở về địa phương an toàn, Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai nhận định, tình trạng lừa người dân đi làm việc nhẹ, lương cao đang xảy ra khá phổ biến, không chỉ ở Gia Lai mà còn ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, đây là vụ việc đầu tiên xuất hiện trên địa bàn Tây Nguyên.

Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ thủ đoạn của bọn lừa đảo là lợi dụng bà con nhẹ dạ, cả tin, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn để lừa gạt bà con đi lao động, rồi bóc lột, đòi tiền chuộc rất cao.

Đại tá Trần Tiến Hải cho biết, thời gian tới, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền tại các Đồn Biên phòng cơ sở bằng hình ảnh trực quan, sinh động, lấy các hình ảnh thực tế từ vụ việc trên để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân với thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ, lương cao, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó, đơn vị đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ, đặc biệt là Công an để điều tra, làm rõ, đưa ra xét xử trước pháp luật các đối tượng trong đường dây mua bán người qua biên giới.

Trở lại với vụ việc 7 thanh niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, vì tin kẻ xấu, đi làm việc nhẹ, lương cao, bị lừa sang Campuchia rồi ép gia đình nộp tiền chuộc. Anh Ksor Chung, Thôn trưởng làng Kloong cho biết, xuất phát từ việc nhiều thanh niên trong làng chưa có việc làm ổn định, nhận thức còn hạn chế nên bọn lừa đảo dễ dụ dỗ.

Hiện những thanh niên này đã trở về cùng gia đình lo tu chí làm ăn, không còn ước mộng đi tìm việc nhẹ lương cao.

Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O cho hay, sau sự việc đáng tiếc trên địa bàn, cùng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, UBND xã Ia O sẽ tiếp tục phối hợp với các công ty thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn, tổ chức nhiều hơn các buổi hướng nghiệp, tuyển dụng lao động vào làm việc tại các nông trường cao su để tạo việc làm ổn định cho thanh niên trong khu vực.

Ngoài ra, xã sẽ phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức phiên chợ việc làm và các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Vụ việc xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Mặc dù địa phương đã có nhiều chính sách liên quan đến việc tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là lao động nông thôn trên địa bàn, tuy nhiên nhiều hoạt động, mô hình hướng nghiệp cho người dân vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Theo đó, hàng năm, toàn tỉnh Gia Lai giải quyết việc làm cho 25.000 người bước vào độ tuổi lao động, các đơn vị chuyên môn cũng đã thẩm định hồ sơ chấp thuận cho 14 doanh nghiệp ngoài tỉnh được tuyển chọn lao động trong tỉnh đi làm việc tại doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.

Để ngăn chặn tái diễn tình trạng lao động trên địa bàn bị lừa đảo, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, thời gian tới, đơn vị tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định tuyển dụng, sử dụng lao động, cũng như tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động nắm bắt, tìm việc, hạn chế tình trạng người lao động tự tìm việc qua kênh không chính thống, ngăn ngừa rủi ro cho người lao động.

Đồng thời, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình đào tạo sát với dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh tạo cơ hội để người nghèo, người dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, ngoài việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo tới người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, lực lượng chức năng cũng cần có các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, kịp thời đấu tranh đối với các đối tượng có hành vi lừa đảo đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài trái phép và vấn đề mua bán người trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Việc nhẹ, lương cao luôn là vấn đề có sức hấp dẫn đối với người lao động, chính vì vậy các đối tượng tội phạm đã lợi dụng tâm lý người dân để lừa đảo. Vụ việc xảy ra tại làng Kloong, xã Ia O là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên người dân tộc thiểu số.

Những biện pháp hạn chế đã được các cấp, các ngành đưa ra, tuy nhiên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội để trả lại sự bình yên cho các buôn làng Tây Nguyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục