Ngân hàng Nhà nước chú trọng nhiệm vụ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô năm 2018

19:00' - 08/01/2018
BNEWS Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp tình hình thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Thu Hạnh/Bnews/TTXVN
Thông báo tại cuộc họp báo Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước năm 2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ với nhiệm vụ quan trọng là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngành ngân hàng đã đề ra mục tiêu tiếp tục kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng. 

Cụ thể hóa nội dung này, ngành ngân hàng sẽ tập trung thực hiện một loạt giải pháp trọng tâm. Trước hết, ngành ngân hàng điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính. 

Nói rõ thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực tế giảm lãi vay là mong muốn của ngân hàng. Vì vậy, trong 2018, ngành sẽ phối hợp các đơn vị theo đó, xem xét bối cảnh, tình hình tỷ giá, tài chính, để đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp nhằm phấn đấu giảm lãi suất cho vay. 

Tiếp nối sự thành công trong điều hành tỷ giá năm 2017, năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp tình hình thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Cùng đó, ổn định thị trường ngoại tệ, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi; thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng. 

Theo Phó Thống đốc, năm 2018, ngành ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Để thực hiện mục tiêu này, NHNN sẽ điều hành tín dụng theo hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Bên cạnh đó, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động. 

Cùng đó, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng, hỗ trợ an sinh xã hội. 

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2018 là triển khai tiếp các bước tái cơ cấu và xử lý nợ xấu một cách căn bản, triệt để hơn. 

“Xử lý nợ xấu chưa nhanh như kỳ vọng do còn các vướng mắc nhưng đã được Quốc hội quan tâm bằng việc thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các TCTD và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Việc của NHNN năm nay sẽ là triển khai Nghị quyết và luật này vào cuộc sống”. 

Để thực hiện mục tiêu này, NHNN tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, quy định, cơ chế hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, các quy định về xử lý vấn đề sở hữu chéo (trong đó, chú trọng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD năm 2010) cũng như tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế;... 

Một giải pháp cũng được ngành ngân hàng tập trung trong năm 2018 là triển khai tích cực có hiệu quả 6 lĩnh vực cải cách hành chính theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; trong đó, tập trung vào cải cách thể chế, thủ tục hành chính, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36/NQ-CP. 

Năm 2017, trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm. Qua đó, góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Theo đó, ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16-18% từ đầu năm. Đến ngày 31/12/2017, tín dụng tăng 18,17%. Đáng chú ý tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ. Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục