Ngân hàng rộn ràng báo lãi lớn sau 9 tháng

19:51' - 13/10/2022
BNEWS Một số ngân hàng đã chính thức công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với nhiều số liệu ấn tượng; trong đó, lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, ngày 13/10, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 4.016 tỷ đồng, tăng trưởng 58,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% hồi cuối năm 2021 xuống còn 1,59%.

Tổng thu thuần (TOI) của SeABank đạt gần 7.282 tỷ đồng, tăng tới 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng gần 70% so với cùng kỳ, đạt 2.205 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,28% trên tổng thu thuần của ngân hàng.

Theo SeABank, kết quả này phản ánh sự chủ động, linh hoạt của ngân hàng trong hoạt động kinh doanh mảng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa nguồn thu.

 
Công bố của SeABank cũng cho thấy tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ mức 35,35% hồi 9 tháng năm 2021 xuống còn 33,09% nhờ tối ưu hóa chi phí trong vận hành thông qua công nghệ. SeABank cũng là ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng Basel III, được Moody’s nâng bậc tín dụng cơ sở lên B1 và được các tổ chức quốc tế lớn như IFC, DFC cho vay vốn dài hạn.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2022. Ngoài ra, SeABank còn phát hành thành công 59,4 triệu cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) cho hơn 2.500 cán bộ nhân viên và sẽ hoàn thành các thủ tục để tăng vốn điều lệ lên gần 20.403 tỷ đồng trong thời gian tới.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã chứng khoán: VIB) là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận 9 tháng đạt mốc 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức 30%.

Kết thúc 9 tháng, VIB đạt tổng doanh thu trên 13.300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt hơn 2.400 tỷ đồng, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động. Trong khi đó, chi phí hoạt động được kiểm soát ở mức 4.600 tỷ đồng, tăng 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng doanh thu. Tỷ lệ CIR của ngân hàng giảm xuống còn 35%.

Tính đến hết ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VIB đạt 341.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng đạt 228.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021. Tổng vốn chủ sở hữu của VIB đạt 30.500 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2021, cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dư nợ.

Còn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đã hoàn thành 72% kế hoạch năm với 5.926 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tuy vậy, mức tăng thu nhập từ lãi tín dụng của TPBank đã có sự chậm lại, thay vào đó là gia tăng nguồn thu từ phí.

Cụ thể, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 11.951 tỷ đồng, tăng 2.045 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu nhập từ lãi thuần đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 20,62%, còn thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng mạnh tới 78% so với cùng kỳ, mang lại 1.876 tỷ đồng cho ngân hàng.

Theo TPBank, thu nhập hoạt động dịch vụ khởi sắc mạnh nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh so với năm trước.

Tính đến cuối tháng 9/2022, TPBank ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 317.000 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch mục tiêu. Tổng huy động đạt trên 280.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 178.902 tỷ đồng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Tổng tài sản của SHB sau 9 tháng đạt hơn 528.000 tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 400.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 380.000 tỷ đồng.

SHB cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa 9.785 tỷ đồng thông qua hình thức: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ năm 2021, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Dự kiến sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên mức tối đa 36.459 tỷ đồng.

Theo dự báo của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý III vừa qua bất chấp lãi suất tăng gây áp lực lên biên lợi nhuận (NIM), kéo theo đó là triển vọng lạc quan cho lợi nhuận của cả năm 2022.

Cụ thể tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB), SSI Research kỳ vọng ngân hàng sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng 40% so với mức cơ sở thấp trong cùng kỳ năm 2021. Mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng NIM ước tính sẽ ổn định do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên 39% và số dư tiền gửi của khách hàng giảm 3,4% so với quý trước, xuống mức 95.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cũng đạt 10,2% so với đầu năm giúp tổng dư nợ đạt mức hơn 115.000 tỷ đồng.

Từ đó, SSI Research ước tính MSB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 6.000 tỷ đồng (tăng 18,3% so với cùng kỳ) và 6.700 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ).

SSI Research cho biết lí do hạ ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 và 2023 của MSB chủ yếu do xu hướng lãi suất huy động tăng khiến chi phí huy động vốn cao hơn và NIM giảm, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cao hơn, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu dự kiến tăng lên 1,75% vào năm 2022 và 1,85% vào năm 2023.

Còn với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB), SSI Research kỳ vọng dư nợ cho vay và số dư tiền gửi sẽ tăng nhẹ so với quý trước do hạn mức tín dụng mới được Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu tháng 9. Lợi nhuận trước thuế quý II/2022 theo ước tính có thể đạt 4.700-4.900 tỷ đồng, tăng khoảng 80-87% so với cùng kỳ). Nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, trong khi dư nợ các khoản vay tái cơ cấu lại có xu hướng giảm.

Các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này cũng giữ nguyên dự báo lợi nhuận cho năm 2022 ở mức 17.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ nhưng lại điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế cho năm 2023 xuống 19.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB), SSI Research ước tính lợi nhuận trong quý II/2022 đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ, với tăng trưởng tín dụng cao ở mức 18% so với đầu năm. Ước tính lợi nhuận trước thuế cho năm 2022 và 2023 của ngân hàng lần lượt ở mức 10.200 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và 12.600 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Cũng trong dự báo trên, SSI Research còn đưa ra nhiều nhận định đối với 2 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID).

Theo đó, Vietcombank có thể đạt 7.400-7.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, tăng 29-33% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 15% và 3,5% so với đầu năm.

Ước tính cho năm 2022 và 2023, SSI đưa ra con số lợi nhuận của Vietcombank lần lượt là 34.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và 41.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, SSI Research ước tính BIDV có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt khoảng 6.000 tỷ đồng trong quý III/2022, được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 10,5% và 2% so với đầu năm và NIM ổn định so với quý trước.

SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế của BIDV cho năm 2022 là 21.200 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ./.

>>>VPBank lần thứ 2 được vinh danh là “Ngân hàng xuất sắc nhất năm” về quản trị rủi ro

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục