Ngành nông nghiệp Lào Cai: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để về đích 2023

15:24' - 11/07/2023
BNEWS Là trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục vượt các khó khăn về đích năm 2023.

*Đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung

Theo số liệu của Cục Thống kê Lào Cai, trong quí II và 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, trong khi giá bán sản phẩm chưa thực sự ổn định,... Tuy nhiên, với việc thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nên tốc độ tăng trưởng quí II ước tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. 

 

Tính chung 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,95% và đóng góp 0,73 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 5,14%, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành lâm nghiệp tăng 2,78%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 7,33%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa vụ Xuân toàn tỉnh ước đạt 9.923,3 ha, tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, lúa trà sớm đang thu hoạch; trà muộn đang ngậm sữa, chắc xanh. Tính đến ngày 15/6/2023, diện tích lúa đã thu hoạch là 6.229 ha, đạt 62,77% diện tích gieo trồng. Năng suất sơ bộ đạt 59,95 tạ/ha, giảm 1,26 tạ/ha so với cùng kỳ; sản lượng sơ bộ đạt 59.493,24 tấn, giảm 1,84%.

Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài gây hạn hán, làm thiệt hại 361,97 ha lúa xuân, trong đó có 108,56 ha mất trắng và 253,41 ha bị ảnh hưởng với mức độ thiệt hại từ 30-70% làm giảm năng suất. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh xảy ra trên cây lúa làm 353 ha lúa bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, bệnh rầy nâu- rầy lưng trắng, bệnh vàng lá sinh lý, Bọ xít dài, sâu đục thân,... Những diện tích bị nhiễm bệnh đã được hướng dẫn phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Trong khi đó, diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 11.656,56 ha, giảm 5,27% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, ngô xuân trà sớm đã cho thu hoạch, trà muộn đang trỗ cờ, phun râu; tính đến ngày 15/6/2023, diện tích đã thu hoạch là 2.865 ha. Sản lượng sơ bộ đạt 44.786,38 tấn, so với cùng kỳ giảm 18,13%; sản lượng giảm chủ yếu do giảm diện tích gieo trồng và diện tích bị mất trắng không được thu hoạch do thời thiết nắng nóng là 1.009,49 ha; diện tích bị ảnh hưởng đến năng suất với mức độ thiệt hại từ 30-70% là 1.177,84 ha.

Cùng với việc thu hoạch cây trồng vụ đông xuân, các địa phương trong tỉnh tiến hành làm đất gieo trồng cây vụ mùa. Diện tích gieo cấy lúa vụ mùa lũy kế đạt 10.873 ha, bằng 95,54% so với cùng kỳ năm 2022, do thời tiết nắng nóng kéo dài từ giữa tháng Năm và những ngày đầu tháng Sáu gây khô hạn nên diện tích giảm. Hiện nay cây lúa đang sinh trưởng và phát triển, trà sớm đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ; trà sau đang hồi xanh, tuy nhiên do cũng bị ảnh hưởng của hạn hán làm ảnh hưởng đến 97,8 ha lúa mùa, trong đó có 2,5 ha bị chết không khắc phục được.

Diện tích ngô vụ mùa sớm ở vùng cao đến nay đã trồng được 14.283,44 ha, tăng 1,23% so với cùng kỳ; trà sớm đang trong giai đoạn trỗ cờ, phát triển bắp, trà sau đang xoáy nõn, trỗ cờ. Do ảnh hưởng của thời tiết diện tích bị thiệt hại là 1.320,02 ha; trong đó, diện tích bị chết không hồi phục được là 872,67 ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, do không có dịch bệnh lớn xẩy ra, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hiện tỉnh có 104.410 con trâu, giảm 2,88% so với cùng kỳ năm trước do nguồn thức ăn và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Bên cạnh đó, mặt khác đàn trâu của Lào Cai giảm còn do người dân chủ yếu sử dụng cơ giới hóa thay thế sức kéo. Đàn bò hiện có là 23,22 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,87%. 

Đàn lợn hiện có là 391,21 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,82%. Số con xuất chuồng ước đạt 335,78 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,26%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 28.832,17 tấn, tăng 5,97%; trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân đạt 85,87 kg/con. Đàn lợn tăng ở hầu hết các địa phương, sau khi dịch bệnh ổn định, các địa phương tích cực tái đàn trở lại.  

Đàn gia cầm hiện có là 6.885 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,72%; số con xuất chuồng đạt 4.821,28 nghìn con, tăng 6,79%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 10.696 tấn, tăng 7,64%. Trong đó, đàn gà ước có 5.839 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,36%. 

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hiện nay nhiều hộ gia đình đã có thu nhập bền vững từ rừng, đã tạo thành vùng hàng hóa tập trung như: Quế, Trẩu, Bồ Đề, Mỡ, Keo, Thông...; đã hình thành các sản phẩm lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như ván dán, ván ghép thanh, viên nén mùn cưa,... ngoài ra, còn có nhiều lâm sản ngoài gỗ khác như tinh dầu quế, quế thanh, quế ống điếu, nhựa cánh kiến trắng,...

Tính đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh đã trồng mới được 3.407 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 16,95%, giảm do kế hoạch trồng rừng năm 2023 giảm. Số cây trồng phân tán 6 tháng đầu năm đạt 1.420 nghìn cây, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng gỗ khai thác tháng Sáu đạt 15.680 m3, lũy kế đạt 78.822 m3, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%.

Với lĩnh vực thuỷ sản, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thuỷ sản đạt 5.108 tấn, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 14,07 tấn, so với cùng kỳ năm trước giảm 5,23%; sản lượng nuôi trồng đạt 5.093,5 tấn, tăng 7,14%; Sản phẩm thủy sản của tỉnh chủ yếu một số loại cá như: Cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính,... và một số cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi.

*Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Từ những kết quả phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ-TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  

Theo đó, tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt đến các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong toàn tỉnh tỉnh về quan điểm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, cụ thể: Nghị quyết về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của mỗi địa phương, xã, thị trấn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa phải gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bền vững, tạo sản phẩm sạch, an toàn, gắn với phát triển kinh tế đồi rừng; nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa; thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

Cụ thể, Lào Cai tập trung quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa 6 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, chăn nuôi lợn, quế), 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương; khuyến khích liên kết, tập trung đất đai tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Phát triển chăn nuôi phù hợp với thị trường và an toàn dịch. Thay đổi tư duy chăn nuôi từ chăn thả truyền thống sang sản xuất hàng hóa; đa dạng hóa đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết sản xuất với người chăn nuôi.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trồng rừng sản xuất ở vùng thấp; thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả bằng trồng cây lâm nghiệp đa mục đích; khuyến khích phát triển các Tổ hợp tác, HTX lâm nghiệp, chế biến sâu lâm sản để nâng cao giá trị. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái... để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển.

Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đảm bảo đáp ứng cả về số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường; đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã gắn với các vùng sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thí điểm thực hiện cơ chế giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút đầu tư xây dựng các dự án chế biến nông sản. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, coi trọng phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực như chè, chuối, dứa, quế, chế biến lâm sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục