Ngành nông nghiệp tháo gỡ từng dự án đầu tư công

16:28' - 02/06/2021
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công của ngành đạt 28,7% kế hoạch. Bộ đang đôn đốc chủ đầu tư và chỉ đạo tới từng nhóm dự án để đảm bảo mục tiêu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 5 tháng đầu năm, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công của ngành đạt 2.828 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm. Để đạt kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm gần  43% cũng như tiến độ mục tiêu quý III và cả năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên họp đôn đốc chủ đầu tư và chỉ đạo tới từng nhóm dự án.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng theo sát tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giá trị giải ngân các dự án cơ bản đáp ứng nhu cầu và đạt mức trung bình chung của cả nước. Tuy nhiên, khối lượng chưa giải ngân từ nay đến cuối năm 2021 của ngành còn rất nhiều.
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như bảo đảm tiến độ với các mốc quan trọng trong giải ngân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đã chỉ đạo cụ thể tới từng nhóm dự án.
Đối với các dự án thuỷ lợi, phòng chống thiên tai (dự án trái phiếu Chính phủ), mặc dù các chủ đầu tư đều cam kết giải ngân cả năm đạt xấp xỉ 100% kế hoạch, nhưng vẫn phải có kế hoạch lường trước một số rủi ro. 
Cụ thể, với nhóm dự án đã được điều chỉnh dự án đầu tư, các chủ đầu tư phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt lưu ý những công việc được điều chỉnh, bổ sung.  Với các dự án chưa điều chỉnh dự án đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nhanh nhất có thể, không để dồn cuối năm hoặc thời gian của dự án không còn nhiều. Với các dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như Krông Pách - Đắk Lắk, Cánh Tạng - Hòa Bình, Bản Mồng - Nghệ An, Cục Quản lý xây dựng công trình rà soát và bố trí lịch để lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với các tỉnh trong tháng 6/2021.
Hay đối với các dự án nông, lâm, thủy sản; khối trường, viện thì hầu hết các dự án đều điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư nhưng rất nhỏ lẻ. Vấn đề này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Vụ Kế hoạch và các chủ đầu tư rà soát, sớm tổng hợp trình Bộ một cách tổng thể, hạn chế bổ sung các hạng mục không thực sự cần, không phải phê duyệt điều chỉnh nhiều.
Riêng đối với 4 dự án quy hoạch thuộc 3 Tổng cục: Thuỷ lợi, Lâm nghiệp và Thuỷ sản cần tập trung thực hiện đảm bảo nghiệm thu, thanh toán hết vốn đã phân bổ, không ảnh hưởng đến tiến độ chung của bộ.
Với nhóm dự án ODA, về việc sử dụng vốn đối ứng thay thế vốn nước ngoài để chi trả thuế VAT, Bộ giao Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch tổng hợp báo cáo bộ để trình Thủ tướng Chính phủ.
Để hỗ trợ cho một số dự án có khả năng phải kéo dài thời gian thực hiện do dịch COVID-19, bộ cũng giao Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi tích cực giải ngân ở mức cao nhất, thậm chí vượt mức kế hoạch năm 2021 là 120% để hỗ trợ thúc đẩy tỷ lệ giải ngân ODA chung của cả bộ. Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9,  chấn chỉnh và rà soát năng lực đơn vị tư vấn; rà soát tổng mức đầu tư với tình hình biến động của giá vật liệu xây dựng, báo cáo bộ; chủ động đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo trao thầu các xây lắp còn lại trong năm 2021

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không chấp nhận điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án trừ trường hợp bất khả kháng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các chủ đầu tư rà soát kỹ các dự án kết thúc năm 2021 để xác định vốn thừa, thiếu so với tổng mức đầu tư và tổng vốn hàng năm đã bố trí. Đồng thời, lập tiến độ giải ngân cụ thể cho tháng 6,7, 8,9 và cả năm 2021.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn, trình bộ trước 30/6/2021. Sau thời hạn này, bộ sẽ không xem xét điều chỉnh vốn kế hoạch. Trường hợp đến cuối năm kế hoạch, chủ đầu tư không hoàn thành kế hoạch đã giao và tiến độ dự án đã duyệt thì sẽ xem xét hình thức xử lý người đứng đầu theo quy định, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.
Trước thực tế giá thép và cát xây dựng đang biến đổi bất thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các chủ đầu tư cùng các nhà thầu rà soát cụ thể hợp đồng để điều chỉnh theo quy định hiện  hành. Bộ giao Cục Quản lý xây dựng công trình hướng dẫn cụ thể, không để vướng mắc này ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có một số dự án thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng và vốn đối ứng của các địa phương đã cam kết như dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, dự án Hồ chứa nước Bản Lải, dự án hồ chứa nước Ngòi Giành....
Đối với dự án ODA, một số dự án phải kéo dài thời gian thực hiện do dịch COVID-19; không được sử dụng vốn nước ngoài chi trả thuế giá trị gia tăng và chi thường xuyên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư giống như thủ tục phê duyệt mới, phải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều bộ, ngành nên mất thời gian; đặc biệt một số dự án chỉ gia hạn thời gian thực hiện cũng phải thực hiện theo quy trình trên, hay mô hình quản lý một số dự án không phù hợp.
Với khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số  56/2020/NĐ-CP theo hướng tinh giảm thủ tục khi điều chỉnh chủ trương dự án, đặc biệt các dự án chỉ điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án dưới 6 tháng…
Để thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư và thủ tục đầu tư các dự án mở mới trung hạn 2021 - 2025 và triển khai thực hiện khi Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kế hoạch vốn năm 2021 bộ được giao là 9.846 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 7.001 tỷ đồng, vốn ODA 2.845 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục