Ngành Y tế nỗ lực khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện

09:45' - 19/02/2018
BNEWS Năm 2017, ngành Y tế đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã trao đổi về những giải pháp đồng bộ của ngành thông qua các chương trình, giải pháp cụ thể như xây dựng bệnh viện vệ tinh, thông tuyến khám chữa bệnh, liên thông kết quả xét nghiệm… 

* Phóng viên: Với những thay đổi một cách toàn diện từ ngành y tế, theo đánh giá của ông, người dân đã hoàn toàn yên tâm khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa? 

* Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Chỉ số PAPI 2016 công bố tháng 4/2017 cho thấy các bệnh viện, đặc biệt là tuyến huyện, đã có thay đổi lớn về chất lượng dịch vụ, người dân đã hài lòng hơn với các dịch vụ y tế. Mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng đến tất cả 63 tỉnh/thành phố của cả nước với 22 bệnh viện hạt nhân và 117 bệnh viện vệ tinh (98 bệnh viện tỉnh, 15 bệnh viện huyện, 4 bệnh viện tư nhân, tăng 19 bệnh viện vệ tinh so với năm 2016), mở rộng thêm một số chuyên khoa mới (nội tiết, truyền máu,…), thực hiện hiệu quả chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện hạt nhân nên 85% số bệnh viện vệ tinh đã giảm dần tỷ lệ chuyển tuyến. Các giải pháp để xây dựng cơ sở y tế "Xanh - Sạch - Đẹp" đã cải thiện một phần điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh buồng bệnh. 

Thành công của ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện ngày 21/2/2017, đánh dấu nền y học Việt trên bản đồ ghép tạng thế giới. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ Ghép được các tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng (thận, tim, gan, tụy, phổi) với trên 1.500 ca. Tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới. 

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 27/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 về Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học và tổ chức Hội nghị ngày 23/6/2017 triển khai thực hiện tiêu chí. Số bệnh viện thực hiện Đề án lưu trữ và truyền tải hình ảnh qua mạng (PACS - không dùng phim) để giảm chi phí, tăng hiệu quả được mở rộng. Hiện 7 bệnh viện đã được phê duyệt Đề án, sắp tới có khoảng 10 bệnh viện tiếp tục thực hiện. Ngành chấn chỉnh việc quản lý các hoạt động dịch vụ thuê ngoài, công tác an ninh, an toàn cho bác sỹ và người bệnh. Bước đầu triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe đến từng cá nhân tại một số tỉnh, thành; tổ chức nhiều lớp đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở về nguyên lý y học gia đình…. 

Trong năm, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối xây dựng các quy trình kỹ thuật của các chuyên khoa như gây mê hồi sức; tiêu hóa; chấn thương chỉnh hình; phẫu thuật thần kinh... , đồng thời thống nhất các danh mục kỹ thuật theo ICD 10 giúp việc triển khai thực hiện kỹ thuật, bồi dưỡng phẫu thuật thủ thuật, tính giá dịch vụ sẽ rất thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. 

Bên cạnh đó, các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện đã có chuyển biến tích cực. Tính chung trên toàn quốc, các bệnh viện đạt 2,75/5 điểm, mới gần đạt mức 3/5 là mức khá, mức chất lượng “chấp nhận được” trong bối cảnh Việt Nam. Bệnh viện tuyến Trung ương bình quân đạt 3,42/5, một số bệnh viện tuyến Trung ương đã đạt mức 4/5 là mức chất lượng tốt. Ngành xây dựng hệ thống phần mềm báo cáo trực tuyến để tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Việc khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế đang được triển khai hết sức mạnh mẽ, quyết liệt và bước đầu đã đạt kết quả tốt, giúp bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để cải tiến chất lượng. Nhiều bệnh viện đã triển khai hệ thống khảo sát trực tuyến sự hài lòng của người bệnh, sau 1 năm triển khai đã có trên 1 triệu phiếu khảo sát. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt 75,6%, người bệnh ngoại trú đạt 66,3%. 

Mặc dù vậy, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng, người dân chưa tin tưởng nên vượt tuyến trên. Hầu hết các cơ sở y tế mới chỉ chủ yếu tập trung vào chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế một số nơi còn phiền hà. Thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ chưa tốt. An ninh, trật tự an toàn bệnh viện chưa được bảo đảm. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong một số cơ sở còn hình thức, lợi thế của y dược cổ truyền chưa phát huy tốt. Trong năm đã xảy ra một số sự cố y khoa nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hệ thống khám, chữa bệnh như vụ 8 bệnh nhân tử vong do chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình; vụ 4 trẻ tử vong vì sốc nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh... 

* Phóng viên: Các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới, thưa ông? 

* Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Năm 2018, hệ thống khám, chữa bệnh cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với nhiệm vụ hàng đầu là “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện”. Đó là: “Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường phối hợp quân - dân y. Hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước. Ngành ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế; Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới. Ngành phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Bộ ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các tuyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến..." 

Ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh: phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy trình chuyên môn; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức. Ngành thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Ngành xây dựng hệ thống báo cáo sự cố y khoa toàn quốc, ban hành hướng dẫn, khuyến cáo an toàn người bệnh quốc gia. Việc đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh được thực hiện, kết hợp giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. 

Ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. 

* Phóng viên: Trong năm 2018, ngành Y tế sẽ làm những gì để tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng khám, chữa bệnh? 

* Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Trong năm 2018, ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, hệ thống tổ chức nhằm tăng cường quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; ban hành các chuẩn chất lượng, công cụ đánh giá, đo lường chất lượng dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngành thành lập được tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập đối với dịch vụ khám chữa bệnh và thực hiện đánh giá chứng nhận chất lượng cho các bệnh viện. Trên 20% số bệnh viện tuyến tỉnh tiến hành đo lường và công bố chỉ số chất lượng vào năm 2018. Tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh có mức chất lượng theo đánh giá độc lập đạt từ mức 3 trở lên chiếm 85% trở lên. Các cơ sở y tế chấn chỉnh tinh thần, thái độ phong cách phục vụ người bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh. 80% các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc đo lường và tự công bố chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ sự nghiệp y tế công do đơn vị cung cấp. 

Ngành đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh. Trên 50% số bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên thực hiện được chế độ một cửa đối với một số thủ tục hành chính trong bệnh viện. Ngành chỉ đạo tăng cường chất lượng chuyên môn để khắc phục sự cố y khoa; xây dựng hệ thống báo cáo sự cố y khoa toàn quốc, ban hành hướng dẫn, khuyến cáo an toàn người bệnh quốc gia và tỷ lệ bệnh viện tuyến tỉnh trở lên triển khai chương trình phát hiện và phòng ngừa sự cố y khoa chiếm từ 50% trở lên. 

Ngành Y tế tiếp tục thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025; chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Năm 2018, trên 80% các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng I trở lên đạt mức chất lượng mức 3 trở lên; trên 50% các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng II đạt mức chất lượng từ mức 2 trở lên; trên 80% các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng III và hạng IV đạt mức chất lượng mức 1 trở lên. 

* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục