Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

13:13' - 11/10/2024
BNEWS Tình hình hoạt động, sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và có bước phát triển tích cực.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), sáng 11/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt đại diện gần 400 doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh để biểu dương, tri ân và tôn vinh những đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để tháo gỡ kịp gỡ.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 9 tháng năm 2024, tình hình hoạt động, sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và có bước phát triển tích cực.

Cụ thể là, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 179.002 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ và đạt 79,0% kế hoạch; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất trong 9 tháng đầu năm kể từ năm 2020 trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, đạt 83% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6,13 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ, đạt 80,5% kế hoạch năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 39.163,4 tỷ đồng, tăng 12,0% so với cùng kỳ, đạt 72% kế hoạch năm. Các ngành thương mại - dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân địa phương. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp cho ngân sách nhà nước đạt 5.260,49 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại hội nghị, thay mặt các doanh nghiệp, doanh nhân, ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đã nêu lên một số ý kiến, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Hà Nam như: xem xét điều chỉnh quy hoạch để khai thác hiệu quả ga đường sắt cao tốc trên địa bàn thành phố Phủ Lý; tạo hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp địa phương; có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ; xem xét, hoạch định, quy hoạch các lĩnh vực then chôt, lĩnh vực mới để các doanh nghệp tìm kiếm cơ hội chuyển đổi mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh; khi các doanh nghiệp sử dựng công nghệ như trí tuệ nhân tạo để thay thế con người sẽ giảm thiểu nhân sự, nên tỉnh cần có các chương trình, kế hoạch tái tạo lại công người mứi cho người lao động, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, tìm công việc mới;…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy khẳng định: Hà Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam mong muốn, các doanh nghiệp, doanh nhân hỗ trợ lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh; năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng uy tín, thương hiệu, tạo việc làm; nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động và xây dựng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng các cấp ủy, chính quyền, là cầu nối tiếp nhận thông tin, đề xuất các ý kiến, kiến nghị, nhất là những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để các cấp ủy, chính quyền có giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối để các doanh nghiệp cùng phát triển; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, giúp cấp ủy, chính quyền ổn định và nâng cao đời sống cho người lao động và nhân dân trong tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đề nghị, các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; giúp doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, hiệu quả các đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân, không né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, để các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chuyên môn tham mưu để tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là, các vướng mắc về thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư đô thị, thương mại, du lịch theo đúng quy định trong thời gian sớm nhất.

Cùng đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư. Các sở ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất và kinh doanh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có gần 9.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký là 191.320 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục