Nghị quyết 128/NQ-CP: Kết nối chuỗi sản xuất, phát triển thị trường nông sản

15:42' - 07/10/2022
BNEWS Dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đã kịp thời mở cửa trở lại, kết nối chuỗi sản xuất, phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, ngành nông nghiệp đã tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực. Theo phương châm thích ứng linh hoạt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá.

Nhìn lại khi cả nước đang vào cao điểm của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ, ngành nông nghiệp đã nhận thấy trong mọi tình huống phải đảm bảo lịch thời vụ sản xuất, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kết nối được thị trường tiêu thụ.

Vượt qua giai đoạn đó và đến nay, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt để trong bất kể hoàn cảnh nào ngành nông nghiệp phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

"Trong bối cảnh dịch COVID-19 hay biến động trên thế giới hiện nay đều đặt ra vấn đề quan trọng nhất là an ninh lương thực. Chính vấn đề này, đòi hỏi ngành nông nghiệp cũng như những doanh nghiệp, người sản xuất phải chủ động thích ứng để nắm bắt thị trường, kết nối sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Cộng với tác động từ thị trường thế giới, việc tăng giá nguyên, nhiên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, hay các chi phí đầu vào trong chăn nuôi, trồng trọt… đều bị tác động. Các hộ gia đình, doanh nghiệp đều phải đối mặt với những khó khăn trong duy trì thời vụ sản xuất.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ngay từ khi dịch COVID-19, đặc biệt là từ đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật đánh giá khả năng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đánh giá cho thấy, cơ bản các phân bón quan trọng thì trong nước đều sản xuất và chủ động được và chỉ phụ thuộc một số loại Việt Nam không có mỏ khoảng sản. Bộ cùng các bộ, ngành khuyến kích các doanh nghiệp làm sao phát huy hết công suất sản xuất.

Bên cạnh việc dự tính, dự báo, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giảm vật tư đầu vào. Đồng thời, khuyến kích việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm chi phí sản xuất cũng như xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, xanh.

 

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm chậm, nhiều cơ sở chăn nuôi đã phải dừng tái đàn. Đứng trước lo ngại về nguy cơ không đảm bảo nguồn thực phẩm có thể xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp đánh giá thực trạng chăn nuôi, xây dựng phương án để tổ chức chỉ đạo sản xuất, cân đối cung cầu phù hợp.

Theo đó, Bộ và các địa phương chỉ đạo gia tăng đàn lợn, gia súc ăn cỏ, ổn định đàn gia cầm và đáp ứng nguồn cung con giống cho sản xuất để bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong nước. Đồng thời, tích cực chỉ đạo triển khai việc kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển, tăng trưởng trong chăn nuôi được duy trì khá. Năm 2021, sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%. Trong 9 tháng năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33%.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, Bộ đã định hướng, chỉ đạo đưa phụ phẩm nông nghiệp vào tận dụng chế biến; trong đó có làm thức ăn chăn nuôi. Việc sử dụng phụ phẩm bước đầu có hiệu quả, dần dần đi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Với nguyên tắc đảm bảo dinh dưỡng với giá thành thấp nhất, thì việc tận dụng nguyên liệu trong nước đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Từng bước chủ động phần nào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Tập đoàn De Heus, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam... cũng đã có những kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trồng ngô, sắn… để phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi.

Đứng trước những khó khăn để phục hồi sản xuất, đối mặt với sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản vẫn tiếp tục được mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch; tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế như: thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh COVID-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt…

Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông.

Những nỗ lực mở cửa thị trường đã được chứng minh bằng gần đây nhất là 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc.  Xuất khẩu nông sản chính ngạch tiếp tục được mở ra.

Những nỗ lực không chỉ từ các ngành chức năng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chinh phục, khai mở thị trường xuất khẩu. "Điển hình, mới đây, 3 dòng sản phẩm ST24, ST25 và "Gạo Ông Cua Viet Nam" của kỹ sư Hồ Quang được Australia cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu với thương hiệu "Gạo ông Cua" . Đây là sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, nắm bắt cơ hội thị trường", Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá.

Nhờ đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Dự kiến năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục chinh phục cột mốc mới xuất khẩu mới với 50 tỷ USD.

Hiện nay, các nước đang có nhu cầu cao về lương thực nên đây là cơ hội để hàng nông sản Việt được mở rộng sang các thị trường. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, dù thị trường thế giới có nhiều biến động, nhu cầu cao về lương thực nhưng thị trường luôn đòi hỏi, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa lên hàng đầu. Đảm bảo được yêu cầu này, nông sản Việt sẽ tiếp tục chinh phục được các thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục