Nghiên cứu áp Thuế tiêu thụ đặc biệt ngành game online

20:42' - 07/04/2023
BNEWS Theo quan điểm của Bộ Tài chính, game online là loại hình giải trí có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác.

Ngày 7/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý I/2023. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì, thảo luận các vấn đề liên quan đến Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ngành game, chuẩn hóa thông tin di động và những vấn đề thuộc quản lý của Bộ.

 

* Nghiên cứu những hệ lụy nếu áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Vừa qua, Bộ Tài chính đã đề nghị xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó đề xuất bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý”. Theo đó, Bộ Tài chính xếp game online nằm chung danh mục với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, thuốc lá điện tử.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, game online là loại hình giải trí có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia nên cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG cho biết: Game Việt có nhiều nội dung, có khả năng phục vụ nhu cầu giải trí của khoảng 50% số lượng người dùng internet tại Việt Nam. Song đến nay, xã hội và cộng đồng vẫn có cái nhìn không thiện cảm với game.

Những game được chính thức phát hành tại Việt Nam đều đã được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) kiểm duyệt. Đối với những game được cấp phép, những nội dung bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa đều được loại bỏ trước khi cấp phép cung cấp đến người chơi.

Các game online được phân loại, dán nhãn phù hợp với từng độ tuổi. Tuy nhiên, dù xuất hiện được 20 năm nhưng ngành game ở Việt Nam vẫn còn nhỏ với tỷ suất lợi nhuận trung bình ước tính chỉ giao động khoảng 10 - 20% tùy theo mức độ thành công từng năm. Với số liệu thực tế này, ngành game của Việt Nam không phải một ngành có “doanh thu lớn, lợi nhuận cao” như nhận định của Bộ Tài chính.

Vì thế, nếu bị áp Thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận này sẽ giảm xuống dưới 10% và sẽ khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong quá trình hoạt động. Do vậy, các doanh nghiệp ngành game mong muốn sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ để kiến nghị cơ quan chức năng không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game.

Về vấn đề Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành game, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, có những căn cứ và lý luận đầy đủ, rõ ràng để kiến nghị lên Bộ Tài chính và Chính phủ.

Đồng thời, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với các doanh nghiệp game lớn để xây dựng báo cáo. Trong đó, lưu ý các nội dung, mở rộng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với việc áp Thuế tiêu thụ đặc biệt ngành game cũng như những hệ luỵ nếu áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với game.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý, nếu game có thể gây ra hệ lụy cho giới trẻ, các doanh nghiệp game, đơn vị quản lý có thể đề xuất có thêm biện pháp kỹ thuật để hạn chế những tác hại tiêu cực.

Theo thống kê, 88% số lượng game phát hành tại Việt Nam là của nước ngoài, 12% số lượng là của doanh nghiệp trong nước. Trong số game này có khoảng 30% là game không phép hay còn gọi là game lậu. Tính đến hiện tại, ngành game của Việt Nam còn rất non trẻ, giá trị doanh thu vẫn còn nhỏ, chỉ khoảng 600 triệu USD.

*Thanh tra diện rộng đối với thông tin thuê bao di động

Thông tin về tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông quý I/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, số thuê bao băng rộng di động đạt 84,36 triệu thuê bao, tăng 1% so với quý IV/2022. Mục tiêu đến tháng 12/2023, tỷ lệ đạt 90 thuê bao/100 dân.

Đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao di động mà các doanh nghiệp viễn thông đã xác định cần chuẩn hóa, đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo; còn 1,67 triệu thuê bao (43,51%) chưa thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều theo quy định.

Để xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 đến ngày 5/6/2023. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi; triển khai kế hoạch, giải pháp, chỉ đạo, điều phối doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý I/2023, sản lượng bưu gửi ước đạt trên 509 triệu bưu gửi (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 4% so quý IV/2022), doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 13.200 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 10% so với quý IV/2022).

Theo thống kê, trong quý I/2023, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 3.400 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (trong đó có hơn 2.500 cuộc tấn công dạng lừa đảo Phishing).

Số lượng các cuộc tấn công giảm 11% so với quý I/2022. Trong thời gian tới, nhiệm vụ chính trong lĩnh vực an toàn thông tin là xây dựng bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát; xây dựng nền tảng hỗ trợ xác định và triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và tổ chức chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.

Về công tác điều hòa thông tin trên báo chí, trong tháng 3/2023, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí chiếm 22%, trong khi tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí chiếm 58%. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hóa báo chí…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục