Người chăn nuôi Bà Rịa-Vũng Tàu lo lắng khi giá lợn giảm sâu, gà tiêu thụ chậm

14:45' - 11/01/2023
BNEWS Cận Tết Nguyên đán 2023, giá lợn hơi đang xuống thấp chỉ 51 - 53 nghìn đồng/kg, gà bán phục vụ thị trường Tết lại tiêu thụ rất chậm khiến người chăn nuôi ở Bà Rịa-Vũng Tàu đứng ngồi không yên.

Nếu như quy luật của mọi năm, càng đến cận Tết Nguyên đán, giá lợn hơi càng tăng cao do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao trong dịp này. Thế nhưng, năm nay mặt hàng này vẫn lại đang rớt xuống ở mức thấp, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.

 

Gia đình chị Võ Thị Bình, ngụ thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức đang nuôi 120 con lợn để bán vào dịp tết, Thời điểm chuẩn bị cho vụ chăn nuôi tết vào tháng 8 - giá lợn hơi lúc đó đang ở mức cao 64 – 65 nghìn đồng/kg, nên gia đình chị quyết định tăng 30 con so với tết năm 2022 với hy vọng giá bán vào dịp tết sẽ tăng cao hơn.

Thế nhưng, cận tết giá lợn hơi lại rớt xuống sâu, nên gia đình chị hầu như không còn có lời, mặc dù lợn giống do lợn nái nuôi của gia đình sinh sản nên không tốn tiền giống ban đầu.

Gia đình anh Lê Trung Lập, ngụ ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức cũng trong cảnh tương tự, thấy giá lợn thời điểm bắt đầu gây đàn nuôi bán tết đang ở mức cao, hy vọng giá bán tết sẽ ở mức cao hơn nữa nên gia đình anh quyết định tăng đàn nuôi.

Hiện đàn lợn của gia đình anh đã được khoảng 1 tạ/con nhưng thương lái báo giá chỉ từ 51 – 53 nghìn đồng/kg, khiến anh đứng ngồi không yên vì cầm chắc thua lỗ lớn.

Anh Lập nhẩm tính, tiền con giống đã là 1,2 triệu đồng/con, tiền thức ăn là 4 triệu đồng/con, chưa kể tiền thuốc, vaccine, điện, nước, công... phục vụ cho việc chăn nuôi lợn.

"Một con lợn 1 tạ hiện nay chỉ bán được 5,2 đến 5,3 triệu đồng mà tiền chi phí đã vượt quá cao, nên chúng tôi rất lo lắng. Chưa năm nào người nuôi lợn chúng tôi lại rơi vào cảnh giá bán lại thấp như năm nay", anh Lập cho biết.

Anh Lập cũng chia sẻ, nếu giá bán thấp như vậy anh sẽ để lại một phần đàn lợn để ra tết bán, với hy vọng giá sẽ tăng lên một chút, nếu bán hết đàn với giá như hiện nay thì người nuôi không cầm cự nổi.

Gía lợn hơi thì xuống thấp, trong khi đó giá gà bán tết lại đang tiêu thụ rất chậm, khiến nhiều người chăn nuôi đang rất lo lắng.

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Gia đình ông Nguyễn anh Nguyễn Minh Lý, ngụ ấp 1, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ đã nuôi hơn 1.400 con gà giống Minh Dư – Bình Định, với số lượng này anh đã phải giảm gần 1.500 con so với các năm trước.

Lý do anh đưa ra là, do giá cám tăng quá cao, trong khi đó giá gà thương phẩm lại không tăng, hiện nay các công ty chăn nuôi gà cũng xuất hiện nhiều với thời gian nuôi khá ngắn chỉ từ hơn 3 tháng là có thể xuất chuồng. Nên các trang trại có thời gian nuôi dài khoảng 5 tháng như trang trại của gia đình anh Lý khó lòng cạnh trạnh nổi do chi phí tăng lên quá nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay số gà xuất bán tết của gia đình anh tiêu thụ quá chậm so với mọi năm. Nếu như tết năm 2022, gia đình anh đã xuất được hơn 1.000 con gà, thì đến thời điểm này chỉ mới bán được 200 con. Hiện giá gà bán tết anh Lý vẫn đang bán ở mức từ 80-90 nghìn đồng/kg không tăng so với giá bán ngày thường.

“Gà của trang trại tôi đến nay đã nuôi được 5 tháng, gà nuôi đến thời điểm này không tăng cân nữa nhưng lại tiêu tốn rất nhiều thức ăn. Nếu như gà bán được trong tết thì mỗi con tôi lời khoảng 50 nghìn đồng, còn nếu qua tết mới tiêu thụ được hết số gà thì may mắn lắm tôi chỉ còn lời 20 nghìn đồng/con", anh Lý lo lắng.

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tổng đàn lợn là trên 383.800 con, tăng 4,3% so cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 6,488 triệu con, tăng 4,4% so cùng kỳ.

Thông thường dịp tết nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng từ 20-30% so với ngày thường. Trên cơ sở đó, dự kiến sản lượng các sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi cung ứng ra thị trường tết Nguyên Đán năm nay với sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng  9.645 tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ, trong đó, thịt lợn khoảng 6.200 tấn, tăng 4,01% so cùng kỳ; thịt gia cầm 2.500 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ, sản lượng trứng ước đạt 18 triệu quả, tăng 6% so với cùng kỳ.

Trong đó, thị trường nội tỉnh trong dịp tết Nguyên Đán dự kiến nhu cầu thịt các loại khoảng 6.500 tấn, với sản lượng thịt lợn 3.400 tấn và thịt gia cầm 1.600 tấn.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, năm nay, tình hình dịch bệnh ổn định, đàn lợn trong tỉnh phát triển về nhanh về số lượng.

Thông thường vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng mạnh, đẩy giá bán lên cao, nhưng năm nay diễn biến lại hết sức khác thường, thị trường vẫn ở mức giá thấp hơn giá thành sản xuất khiến cho nhiều người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều lo lắng. Bởi giá vật tư đầu vào tăng liên tục, nhất là giá thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Trung, nguyên nhân khiến giá lợn hơi đang tụt giảm là do nguồn cung thị trường lớn, dẫn tới sức tiêu thụ chậm. Trong đó, hiện nguồn thịt lợn vẫn chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc thông đường tiểu ngạch, nhưng hiện kênh tiêu thụ này bị đứt gãy do Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc người chăn nuôi không theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi trong việc tài đàn, tăng đàn khiến nguồn cung tăng mạnh, trong khi đó nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ giảm.

"Giải pháp hiện nay để ngành chăn nuôi phát triển bền vững là phải tiêu thụ được qua các kênh chính gạch. Tuy nhiên, kênh phân phối này đang đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt là vùng an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phối hợp các địa phương tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là tích cực thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chăn nuôi an toàn. Đồng thời, triển khai các kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao.

Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật xuất, nhập tỉnh để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi được lưu thông thuận lợi trong và ngoài tỉnh, cũng như tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y ở các điểm mua bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023 để đảm bảo an toàn nguồn thịt cung ứng đến tay người tiêu dùng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục