Người dân được đốt loại pháo hoa nào trong các dịp lễ Tết, sinh nhật?

11:23' - 29/11/2020
BNEWS Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP vừa được ban hành về quản lý và sử dụng pháo hoa, Nghị định này cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong dịp Tết, ngày cưới, sinh nhật…

Nghị định 137/2020/NĐ-CP vừa được ban hành về quản lý và sử dụng pháo hoa đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân; nhất là quy định cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong dịp Tết, ngày cưới, sinh nhật…

Theo đó, Điều 17 Nghị định 137/2020 quy định các trường hợp được sử dụng pháo hoa là: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Căn cứ quy định trên, từ 11/1/2021, người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” sẽ được sử dụng pháo hoa mà không cần phải xin phép trong dịp Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

Tuy nhiên, cũng theo nghị định trên, người dân chỉ được sử dụng pháo hoa không gây ra tiếng nổ, còn pháo hoa phổ biến bắn lên bầu trời vào các sự kiện lớn chính là pháo hoa nổ và người dân không được sử dụng loại pháo hoa này.

Theo Điều 3 của Nghị định 137 cũng giải thích rõ: Pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m.

Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m. Trong khi đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Cũng theo Điều 11 của Nghị định 137, chỉ các trường hợp sau đây, các tỉnh, thành được tổ chức bắn pháo hoa nổ như: Trong dịp Tết Nguyên đán cho phép các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn không quá 15 phút vào đêm giao thừa; trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương cho phép tỉnh Phú Thọ được bắn không quá 15 phút vào 21 giờ ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch; Ngày Quốc khánh cho phép các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn không quá 15 phút vào 21 giờ ngày 2/9; lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên phủ cho phép tỉnh Điện Biên được bắn không quá 15 phút vào 21 giờ ngày 7/5; kỉ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam- Thống nhất đất nước (30/4); hoặc ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục