Người giữ vàng SJC được bảo vệ ra sao?

17:49' - 03/02/2016
BNEWS Thị trường vàng những ngày đầu năm 2016 lại “nóng” với câu chuyện vàng SJC loại một chữ bị tạm ngừng thu mua. Dù đã ổn định trở lại, song câu chuyện này vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Đầu năm 2016 thị trường vàng “nóng” với câu chuyện vàng SJC loại một chữ bị tạm ngừng thu mua. Ảnh minh họa: TTXVN

Dù hoạt động kinh doanh vàng đã ổn định trở lại, song câu chuyện này vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nhiều người dân vẫn lo ngại, trong thời gian tới khi thời hạn gia công vàng miếng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn sẽ hết, liệu vàng SJC một chữ có bị phân biệt như vừa qua?
Vàng miếng SJC một chữ được xác định là vàng cũ, do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn sản xuất từ năm 1996. Do đã được sản xuất từ lâu nên những sản phẩm vàng đó một phần bị móp méo trong lưu thông, một phần vì mẫu mã bao bì cũ nên khi doanh nghiệp thu mua phải áp phí gia công lại.
Chuyện bắt đầu đáng lưu ý khi Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn thông báo tạm ngừng thu mua loại vàng SJC một chữ với lý do hạn mức gia công vàng đã hết. Chỉ đến khi sau đó khi Ngân hàng Nhà nước cho phép Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được gia công vàng miếng với hạn mức mới là 30.000 lượng trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động thu mua vàng miếng SJC loại 1 chữ mới trở lại bình thường.
Chưa dừng lại ở đó, dư luận lại tiếp tục bức xúc khi một số cửa hàng vàng tại Tp. Hồ Chí Minh tuyên bố chỉ thu gom vàng SJC loại một chữ khi có đủ 10 lượng trở lên. Sự việc này đã khiến nhiều người giữ vàng không khỏi hoang mang.
Mặc dù ngay sau đó lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định hiện tượng này đã chấm dứt và ngay sau đó hoạt động kinh doanh vàng đã trở lại bình thường nhưng dư luận đang đặt câu hỏi liệu Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn có độc quyền khi đang chịu trách nhiệm liên quan đến thương hiệu vàng quốc gia?
Tại Quyết định số 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% cho Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo về hạn mức, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng và dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động sản xuất vàng miếng là độc quyền của Nhà nước, không phải là độc quyền doanh nghiệp. Ông Cảnh dẫn chứng, khoản 3 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.

Liệu người giữ vàng SJC có được bảo vệ, đang là băn khoăn của nhiều người. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, việc sản xuất vàng miếng là do Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền tổ chức thực hiện, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn.
Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối cũng cho biết, trước đây, cả nước có đến 8 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng, tuy nhiên, thương hiệu vàng miếng SJC đã được thị trường lựa chọn là thương hiệu uy tín và chất lượng cao nhất, chiếm trên 90% thị phần. Do đó, trên cơ sở quy luật của thị trường và để tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và cho xã hội, Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước đã thuê Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, căn cứ Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, với tư cách là nhà sản xuất, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.

Do vậy, không có sự phân biệt về chất lượng giữa vàng miếng SJC một chữ số và vàng miếng SJC hai chữ số do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đã sản xuất.
Theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước công nhận tất cả các loại vàng miếng đã từng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định vàng miếng SJC một chữ số hay vàng miếng SJC hai chữ số đều được lưu thông bình thường, không có sự phân biệt.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định, ngay sau khi xảy ra tình trạng như trên, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn tiếp tục thực hiện thu mua vàng miếng SJC một chữ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc thu mua, vàng miếng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn trên địa bàn.
“Việc cấp hạn mức gia công lại vàng miếng SJC móp méo được thực hiện hàng năm trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường. Chúng tôi cũng đã đề nghị Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn cần chủ động hơn nữa trong việc dự báo nhu cầu của thị trường để đảm bảo không xảy ra tình trạng như những ngày vừa qua” - ông Nguyễn Ngọc Cảnh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng khẳng định, đến nay, hoạt động thu mua vàng miếng SJC một chữ đã diễn ra bình thường. Như Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đã khuyến cáo, người dân đang nắm giữ vàng miếng SJC một chữ, nếu có nhu cầu bán hoặc chuyển đổi sang vàng miếng SJC hai chữ, nên đến giao dịch tại các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn để tránh thiệt hại không đáng có.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ, vàng SJC một chữ hay hai chữ thì cũng đều là sản phẩm của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, không có lý do gì để phân biệt hay ngừng thu mua. Hơn nữa, khi đã được Ngân hàng Nhà nước trao cho quyền gia công vàng miếng thì Công ty này phải đảm bảo quyền và lợi ích của người giữ vàng, gây hoang mang cho dân chúng như thời gian qua là không hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục