Người nhập cư, động lực tăng trưởng kinh tế châu Âu

06:31' - 01/11/2015
BNEWS Làn sóng người tị nạn đang gây tranh cãi tại châu Âu. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy người nhập cư có nhiều đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia đón tiếp.

Năm 2009, Patricia trốn chạy khỏi Cameroun, quê hương cô vì cô là người đồng tính. "Ở Cameroun, người đồng tính có nguy cơ bị ngồi tù, những người may mắn không bị vào tù thì họ sa vào thuốc lá, rượu cho tới chết", cô nói.

Trước nguy cơ này, Patricia đã quyết định ra nước ngoài sinh sống khi cô mới 20 tuổi. Cô không chọn nơi đến mà chỉ muốn tìm một nơi yên ổn để sinh sống.

Sau khi được cấp quy chế tị nạn tại Bỉ, Patricia đăng ký học nghề và và tìm được việc làm tại một siêu thị. "Tôi cảm ơn nước Bỉ rất nhiều vì những gì họ đã làm cho tôi. Nhưng tôi nghĩ tôi cũng đã trả ơn họ", Patricia tâm sự.

Patricia là một trong số những người tị nạn có một công việc ổn định tại quốc gia đón tiếp nhờ những nỗ lực của bản thân. Sự cố gắng của họ nhìn chung tích cực đối với nền kinh tế nước sở tại.

Làn sóng người tị nạn đổ vào châu Âu ngày càng tăng. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tác động đối với hệ thống an sinh xã hội

Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu hội nhập Chaleroi (CRIC), số lượng người nhập cư trên thế giới tăng từ 9,2 triệu người năm 1960 lên 211 triệu người năm 2010, đặc biệt tại các quốc gia giàu có nhưng ít dân, người nhập cư đã giúp tăng dân số từ 4,6% lên 10,9%.

Những người nhập cư đến từ các quốc gia ngoài EU thường xin trợ cấp xã hội nhiều hơn người dân bản xứ. Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) cho thấy số lượng người nhập cư nhận trợ cấp thất nghiệp cao hơn 1,4 lần người bản xứ, nhận hỗ trợ về nhà ở cao hơn 1,5 lần và nhận trợ cấp gia đình cao hơn 1,3 lần.

Những số liệu này củng cố lập luận của những người phản đối việc đón tiếp người nhập cư vì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người giảm, chi phí xã hội tăng (từ 28-33% GDP tại Pháp trong thời gian từ 2008-2014).

Người nhập cư tạo ra dân số «tiêu thụ» nhiều hơn mức trung bình và theo những người phản đối, chi phí xã hội đương nhiên phải tăng.

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Hippolyte d’Albis thuộc Trường Kinh tế Paris, người nhập cư không làm tăng chi phí xã hội của nước đón tiếp vì nhìn chung họ đều trẻ hơn dân bản xứ, ít cần đến dịch vụ y tế cũng như tiền hưu trí, là 2 nguồn lớn nhất của quỹ an sinh xã hội.

Châu Âu đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp để giải quyết vấn đề người di cư. Ảnh: TTXVN

Về trợ cấp thất nghiệp, nhà nghiên cứu Hippolyte d’Albis phân tích người nhập cư không được nhận gì trước khi hoàn thành các điều kiện cần thiết, đặc biệt, họ phải làm việc trong một thời gian tối thiểu nào đó.

Hơn nữa, họ không đòi hỏi nhiều về chi phí đào tạo vì trước khi ra đi, họ đã được đào tạo và sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.

Do đó, không phải người nhập cư bị cuốn hút bởi mức trợ cấp xã hội mà chính là khả năng tìm kiếm việc làm. Bằng chứng là Đức và Anh là những quốc gia mà người nhập cư tìm đến nhiều nhất. 

Nhiều người dân châu Âu phản đối Chính phủ tiếp nhận những người dân nhập cư. Ảnh: TTXVN

Tại Bỉ, mức chênh lệch tỉ lệ việc làm giữa người bản xứ (68,6%) và người nhập cư (40,5%) được coi là cao nhất EU.

Báo cáo do Hội đồng cấp cao về việc làm của Bỉ công bố mới đây nêu rõ «kinh tế Bỉ có thể được hưởng lợi từ những kỹ năng của những người nhập cư».

Dân số Bỉ đang có chiều hướng tăng lên nhưng số lượng người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) thì tăng chậm lại. Sự xuất hiện của người nhập cư sẽ góp phần đảo ngược xu hướng.

Tác động về thuế mang tính tích cực

Việc đo hiệu quả thuế với sự có mặt của người nhập cư liên quan đến ba yếu tố: đóng góp về thuế, ít di chuyển và tiêu thụ công.

Trung tâm tư vấn việc làm cho người nhập cư tại Bỉ. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu của nhà nghiên cứu Frédéric Docquier thuộc trường Đại học Louvain (Bỉ), trung bình, ở châu Âu, nếu người nhập cư trả thuế hộ gia đình với số tiền hàng năm thấp hơn 400 euro so với người bản xứ, họ sẽ nhận được khoản tiền hàng năm do Nhà nước chi trả thấp hơn 500 euro so với người bản xứ.

Do đó, tác động chung về thuế đối với người nhập cư mang tính tích cực ngay cả khi nó thay đổi theo chủng loại dân số và quốc gia gốc.

Nếu tính theo tuổi và trình độ giáo dục, một nghiên cứu được thực hiện ở Pháp kết luận người nhập cư có trình độ đóng góp nhiều hơn vào việc làm giàu quốc gia tiếp nhận so với mức trung bình của dân bản xứ.

Vấn đề cơ bản cho những dữ liệu này là liệu ngân sách quốc gia có tăng nhờ những người nhập cư không?

Dựa trên những ước tính, Frédéric Docquier đánh giá đóng góp thực sự của những người nhập cư đến 0,5% GDP, tức khoảng 2 tỷ euro. Điều này giúp châu Âu chọn lựa được những người nhập cư có trình độ đóng góp vào giá trị gia tăng của quốc gia tiếp nhận.

Với những minh chứng về đóng góp tích cực của người nhập cư cho kinh tế của nước tiếp nhận, có thể nói những người nhập cư làm lợi cho dân bản xứ và không có hiện tượng ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp địa phương cũng như gia tăng nghèo đói do vấn đề nhập cư.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế vẫn là cái cớ để biện minh cho thái độ tiêu cực về vấn đề nhập cư./.

Hương Giang – P/v TTXVN tại Vương quốc Bỉ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục