Nguồn gốc và những điều ít biết về lễ Vu lan báo hiếu - Rằm tháng 7 âm lịch

07:09' - 31/08/2017
BNEWS Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là ngày quan trọng với những người theo đạo Phật. Ảnh minh họa: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN

Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Nét đẹp truyền thống

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.

Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.

Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Đại lễ Vu Lan 2017

Tối ngày 31/8 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu và dân tộc” năm 2017. Đây chính là dịp tôn vinh, đề cao đạo hiếu trong đạo Phật cũng như trong văn hóa dân tộc, đưa tinh thần đạo hiếu thành hơi thở, nhịp sống của mỗi gia đình và trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc Việt Nam, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những lời cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đạo báo hiếu là tâm thái và hành vi tích cực được khởi đầu từ nền tảng gia đình đến xã hội và hướng đến nhân loại trên khắp địa cầu. Nếu mỗi người đều sống được với đạo lý tri ân, báo ân thì sẽ tạo ra một xã hội an vui, tương thân, tương ái.

Ngoài ý nghĩa tôn giáo, chương trình Đại lễ Vu lan “Đạo hiếu và dân tộc” năm 2017 còn là dịp để tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ; biểu dương những tấm gương hiếu thảo tiêu biểu ở mọi miền đất nước. Cùng với đó là chương trình văn nghệ đặc sắc, nội dung phong phú, kịch và tiểu phẩm về những tấm gương đạo hiếu.

Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Phó trưởng Ban Thông tin truyền thông (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), “tứ ân” (ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội và ân Tam bảo) là tiêu chí để lựa chọn các tấm gương hiếu thảo biểu dương tại Đại lễ. Đây sẽ là những tấm gương đại diện, là nhân tố để thúc đẩy các hành động và tư tưởng đạo hiếu trong toàn xã hội.

Để tôn vinh đúng người, Ban Tổ chức đã gửi công văn tới Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Trị sự Phật giáo 63 tỉnh, thành. Dự kiến sẽ có khoảng 10-15 tấm gương được tôn vinh trực tiếp tại Đại lễ. Cũng tại Đại lễ, Ban Tổ chức sẽ trao quà cho các tấm gương hiếu thảo, các gia đình chính sách với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng./.

>>> Phân biệt ngày lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân

>>> Lễ Vu Lan và những hiểu lầm về tục đốt vãng mã

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục