Nguồn lực cho nông thôn mới ở Hà Giang còn hạn chế

17:02' - 11/07/2019
BNEWS Hà Giang là tỉnh nghèo nên việc bố trí nguồn lực rất hạn chế, việc bố trí lồng ghép các nguồn lực và huy động xã hội hóa cũng đạt không cao.
Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An và các đại biểu kiểm tra mô hình trồng rau trong nhà lưới ở huyện Vị Xuyên.

Trong 3 ngày từ 8 - 10/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã dẫn đầu Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hà Giang.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang, năm 2019 Hà Giang đặt mục tiêu thực hiện nâng tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí, hoàn thành 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tính đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Giang đạt gần 590 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa đạt khoảng 65 tỷ đồng. Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã phân bổ 3 tỷ đồng cho các đơn vị thực hiện các hoạt động có liên quan đến chương trình này như xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho rằng, để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Giang cần nhu cầu nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, do là tỉnh nghèo nên việc bố trí nguồn lực rất hạn chế, việc bố trí lồng ghép các nguồn lực và huy động xã hội hóa cũng đạt không cao.

Do đặc thù của tỉnh Hà Giang cũng như nguồn lực hạn chế nên những năm qua, tỉnh tập trung cho hai lĩnh vực là làm đường bê tông nông thôn và đẩy mạnh sản xuất, tạo thu nhập cho người dân. Băn khoăn của tỉnh Hà Giang hiện nay là thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tiêu chí nâng cao, bởi để duy tu, duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới cần nguồn vốn rất lớn trong khi giai đoạn này địa phương còn dành nguồn vốn cho những xã đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới.

Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An và các đại biểu kiểm tra mô trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện Quản Bạ.

Sau khi kiểm tra thực tế tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018) và xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên (1 trong 5 xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019), các thành viên Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã chỉ ra một số vấn đề tỉnh Hà Giang cần tiếp tục thực hiện, nhằm đảm bảo hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hải An đề nghị tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phụ trách lĩnh vực nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới cần gắn với giảm nghèo đảm bảo tính bền vững, không nóng vội, chạy theo thành tích.

Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An và các đại biểu kiểm tra mô hình làm đường giao thông nông thôn ở huyện Vị Xuyên.

Đồng thời, cần có giải pháp phát huy tối đa nội lực trong dân, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; chú trọng thực hiện các tiêu chí về môi trường, giáo dục, tăng thu nhập cho người dân vì đây là các tiêu chí cốt lõi, khó thực hiện nhất với tỉnh.

Cùng với đó, chú trọng việc giải ngân các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho biết, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Hà Giang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đối với 38 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu trên 5 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là 43 xã. Các xã còn lại phấn đấu mỗi xã hàng năm tăng từ 1 - 2 tiêu chí. Bình quân cả tỉnh đạt 11,5 tiêu chí/xã. Trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng cụ thể như: vùng cao núi đá bình quân đạt 9,5 tiêu chí/xã; các huyện vùng cao phía Tây đạt 11,5 tiêu chí/xã; các huyện vùng thấp đạt 13 tiêu chí/xã.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh kiến nghị Trung ương cần có giải pháp đột phá về huy động nguồn lực đầu tư và định mức hỗ trợ cho các chính sách, dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, tăng mức hỗ trợ trực tiếp của chương trình cho Hà Giang, nhất là vốn đầu tư phát triển do điều kiện địa lý đồi núi chia cắt, sạt lở, lũ quét thường xuyên xảy ra; cần quy định tiêu chí để tính tổng mức đầu tư phân bổ cho các địa phương thay vì quy định cứng mỗi xã theo khu vực cho phù hợp để tránh tình trạng phân bổ bình quân, dàn trải. Việc duy trì các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, biên giới sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phải được quan tâm hơn để đảm bảo tính công bằng giữa các vùng, miền trong cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục