Nguy cơ thiếu điện có thể sẽ bắt đầu vào giai đoạn 2020-2030

13:27' - 09/08/2018
BNEWS Từ nay đến năm 2030, giai đoạn có nhiều khả năng xảy ra nguy cơ thiếu điện là từ năm 2021-2023 và năm thiếu điện cao điểm nhất là năm 2022.
Nguy cơ thiếu điện có thể sẽ bắt đầu vào giai đoạn 2020-2030. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu vào giai đoạn 2020-2030 là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức thường niên, diễn ra sáng nay, 9/8 tại Hà Nội.

Theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 10,3-11,3%/năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 8-8,5%/năm - cũng là mức tăng trưởng cao. Việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này trong bối cảnh rất nhiều nguồn điện nằm trong quy hoạch đang chậm tiến độ. Việc cung cấp nhiên liệu khí cho các nhà máy điện khí cũng rất khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2030. Từ nay đến năm 2030, giai đoạn có nhiều khả năng xảy ra nguy cơ thiếu điện là từ năm 2021-2023 và năm thiếu điện cao điểm nhất là năm 2022. Đấy là chưa kể tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể tăng cao hơn so với dự báo của chúng ta.

"Dự báo của chúng ta mới đưa ra tăng trưởng đến năm 2025 chỉ khoảng 9% và sau năm 2025 là khoảng 8%. Nhưng nếu nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu điện tăng cao hơn; các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện ở hai trung tâm khí lớn là Ô Môn và khu vực miền Trung, ở Dung Quất và Chu Lai đi vào hoạt động chậm thì khả năng thiếu điện còn trầm trọng hơn nữa...", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.

Trong các thách thức được chỉ ra, phải kể đến nguy cơ thiếu hụt nguồn điện cho phát triển kinh tế do hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Tốc độ tăng trưởng phụ tải cao cũng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.

Cùng với đó là thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.

Cơ chế giá cho điện cũng là động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, việc đảm bảo điện nói riêng, đảm bảo an ninh năng lượng nói chung thực rất khó khăn, nhất là khi đất nước đã quyết định dừng xây dựng các dự án điện hạt nhân nhưng các nguồn điện thay thế cho điện hạt nhân chủ yếu là năng lượng tái tạo đang còn rất nhiều bất cập chưa được giải quyết:

Ông Quân cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VII, chưa kể phải bù đắp thêm những thiếu hụt của nguồn điện hạt nhân…Nguồn năng lượng tái tạo cũng đang còn nhiều khó khăn cho dù khoa học công nghệ đang ngày càng hiện đại..

Để giải bài toán nguy cơ thiếu điện, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên đề xuất, phải quan tâm đến quản lý phía cầu trong đảm bảo an ninh năng lượng. Theo đó, cách tiếp cận phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là phải thay đổi và tính toán theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định. Cụ thể, về việc đáp ứng nhu cầu năng lượng, ông Trần Đình Thiên cho rằng, phải tính toán về cầu thay vì tập trung phát triển theo cách tiếp cận và tập trung về phía cung.

Về phía cầu, tiêu thụ năng lượng gắn với hai khía cạnh vĩ mô và vi mô. Vĩ mô là phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực tiêu dùng điện năng khác nhau như thế nào, và vi mô là hiệu quả sử dụng năng lượng tại cơ sở được phân bổ nguồn lực như thế nào để đảm bảo cho đất nước phát triển..

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cho thấy cấu trúc kinh tế, công nghiệp kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng đã thay đổi. Cần phải định giá năng lượng để đảm bảo cho các nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực năng lượng. Việc định giá thấp quá sẽ dẫn đến tiêu dùng lãng phí, sẽ luôn luôn thiếu hụt. Tư duy hiện đại hóa phải chi phối vào quản lý năng lượng trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại diễn đàn, các ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, thì cơ chế giá cho điện cũng là động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục