Nguyên nhân nào khiến dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng?

14:42' - 23/07/2025
BNEWS Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng chủ yếu do tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ tại các hộ gia đình có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học...

Sáng 23/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và quản lý kiểm soát giết mổ đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng chủ yếu do tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50 - 60 con/ổ dịch) tại các hộ gia đình có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học; chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao, không bảo đảm an toàn sinh học… Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. 

Bên cạnh đó, hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy lợn, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng.

 

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là trung tâm tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa lớn của khu vực phía Bắc và cả nước, với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường giao thông chính được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến bất cập trong kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Các phương tiện có thể dễ dàng lựa chọn tuyến đường vòng để né tránh các chốt kiểm dịch. Đặc biệt đối với các lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc.

Thêm vào đó, Luật Thú y hiện hành đã bãi bỏ quy định về kiểm dịch nội tỉnh, nên việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trong phạm vi thành phố không còn phải thực hiện kiểm dịch bắt buộc. Đây chính là kẽ hở khiến công tác truy xuất, kiểm soát nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện cơ chế tổ chức bộ máy ngành thú y theo hướng thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị hai cấp hiện nay.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, đào tạo và duy trì đội ngũ nhân viên thú y cơ sở bảo đảm ổn định, chuyên môn hóa, gắn bó lâu dài với công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. bổ sung quy định của Luật Thú y theo hướng trao quyền cho các địa phương được chủ động tổ chức kiểm soát lưu thông nội tỉnh đối với động vật và sản phẩm động vật nhằm tăng cường giám sát dịch bệnh. Đề nghị Bộ ban hành cơ chế phối hợp liên ngành để kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật (kết nối giữa ngành nông nghiệp, y tế, công thương và công an).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, hiện nay, thời tiết biến đổi thất thường, đặc biệt bước vào mùa mưa, bão tại các tỉnh miền Bắc, kết hợp với hiện tượng người nuôi, vận chuyển thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh xuống sông, kênh mương... làm phát tán virus dịch tả lợn châu Phi theo dòng nước, gây ô nhiễm môi trường.

Hoạt động giết mổ động vật còn chưa được kiểm soát triệt để, một số cơ sở giết mổ vi phạm pháp luật thú y, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Bên cạnh đó, còn lúng túng trong việc công bố dịch cấp xã do mới được phân cấp về cấp xã; chưa tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục về các quy định hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật.

Lực lượng thú y địa phương, đặc biệt là thú y cấp xã rất mỏng, địa bàn rộng nên công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại một số địa phương chưa được kịp thời (nhiều tỉnh không bố trí nhân viên thú y cấp xã, có tỉnh không thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật). Việc áp dụng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm khắc hơn.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến nay Việt Nam có 3 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 7,8 triệu liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vaccine dịch tả lợn châu Phi được ví như lá chắn thép cho ngành chăn nuôi trước nguy cơ dịch bệnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề, vì sao người dân vẫn chưa mặn mà trong việc tiêm phòng. Cần mổ xẻ rõ nguyên nhân và tìm cách tháo gỡ vấn đề này? Phải chăng, nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ vắc xin của nhà nước. Công tác truyền thông về vaccine chưa được đẩy mạnh?

 

Toàn cảnh Hội nghị phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và quản lý kiểm soát giết mổ đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Ảnh: Hằng Trần/Bnews/vnanet.vn

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề cập đến việc đẩy mạnh tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi; cơ chế phối hợp giữa cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương trong giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh để thu hồi vốn...

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, đến nay, cơ bản đã có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, Kế hoạch quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ. Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Để kiểm soát phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Cục đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh; tăng cường quản lý vận chuyển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, bán tháo, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc từng cơ sở chăn nuôi có dịch bệnh trên địa bàn cấp thôn, cấp xã nơi đang có dịch và nơi tiếp giáp có nguy cơ cao; chủ động công tác phòng bệnh cho đàn lợn, đặc biệt công tác tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, số lợn bị chết sau khi tiêm phòng chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 0,1% (988 con lợn). Nguyên nhân là phần lớn số lợn này đã nhiễm virus thực địa từ trước hoặc sức đề kháng bị suy giảm vì mắc các bệnh do Escherichia coli, PCV2.

Kết quả sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi của các địa phương thời gian qua cho thấy, vắc xin có hiệu lực và hiệu quả trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhờ đó, đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn và tăng tái đàn, cung ứng sản phẩm thịt lợn cho người tiêu dùng.

Trước diễn biến và nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng, để phòng chống dịch mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 109/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh và chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và các trường hợp vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, từ đầu năm đến ngày 22/7/2025, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, thành phố, số lợn mắc bệnh là 42.349 con, số lợn chết, buộc tiêu hủy là 43.375 con.

Hiện nay, còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Trong tháng 6 và 7/2025, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi gia tăng tại các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị…).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục