Nhà báo Lê Xuân Thành, Trưởng BTC Giải Dế Mèn: Cảm ơn tấm lòng 'vị nghệ thuật' và 'vị nhân sinh' hết mực

22:35' - 31/05/2022
BNEWS Tối 31/5 Lễ trao giải Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 - 2022 đã được tổ chức tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Kết quả, Ban tổ chức đã chọn 5 tác phẩm điểm cao nhất để trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), trị giá: 10.000.000 VND/giải, cho (xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm):

1. Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng)

2. Cơ Bản là Cơ Bản (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng)

3. Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)

4. Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi)

5. Chiếc dép thất lạc (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; NXB Kim Đồng)

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng Ban tổ chức giải thưởng:

Thật vui mừng khi đến dự buổi lễ của chúng tôi hôm nay có rất nhiều các vị đại biểu ở trên nhiều cương vị, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Có các nhà lãnh đạo, nhà quản lý về văn hóa, nghệ thuật và báo chí; có các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà báo, nhà sưu tập; các nhà giáo, các vị Mạnh thường quân; và đặc biệt còn có đông đảo các cháu thiếu nhi. Rất nhiều trong số này là những bạn đọc lâu năm của báo Thể thao và Văn hóa, nhưng cũng có những người bạn mới, hầu như chưa biết mấy về lịch sử 40 năm của tờ báo chúng tôi.

Nhưng tất cả chúng ta đã có mặt tại đây, hôm nay, vì một buổi lễ với khá nhiều nội dung: Tổng kết và trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mùa giải lần thứ 3, một giải thưởng rất rộng rãi - Tôn vinh những sáng tạo văn học, nghệ thuật và cả những sáng tạo nhiều mặt trên lĩnh vực giải trí - công nghệ miễn là thỏa mãn tiêu chí “vì thiếu nhi” hoặc “của thiếu nhi”. Bên cạnh đó còn có chương trình đấu giá nghệ thật Vì mái trường cho em nhân kỷ niệm 40 năm báo Thể thao và Văn hóa vào ngày 21/8/2022 tới đây, một chương trình nhằm huy động sức mạnh của nghệ thuật để tạo ra những giá trị vật chất hết sức cụ thể, để có thể hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn. Xin được khẳng định rằng, giải thưởng cũng như chương trình đấu giá của chúng tôi không phải là một sự kiện đột xuất, nhất thời mà là một một hành trình lâu dài và bền vững.

Vậy điều gì đã tạo ra sự gắn kết của tất chúng ta, để có buổi lễ ngày hôm nay?

Không có Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn thì dĩ nhiên không thể có buổi lễ trao giải này. Nhưng một mình chúng tôi, báo Thể thao và Văn hóa thì không thể tạo ra Giải Dế Mèn. Chúng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của gần 100 tác giả dự thi; sự tham gia vô cùng nhiệt tình của các văn nghệ sĩ trong Ban Chung khảo, Ban sơ khảo.

Trong điều kiện thù lao còn hạn hẹp, các vị giám khảo đã làm việc một cách khoa học và chuyên nghiệp với khối lượng công việc lớn không kém gì của một viện hàn lâm nghệ thuật độc lập, để có thể bao quát, đánh giá được toàn bộ đời sống văn hóa nghệ thuật - giải trí về thiếu nhi trong năm, để Dế Mèn có thể tự tin xác quyết trên sân khấu rằng, 8 tác phẩm lọt vào Vòng Chung kết - chấm điểm là những gì xuất sắc nhất của thiếu nhi và vì thiếu nhi trong thời gian qua. Và những tác giả đoạt giải trong số này xứng đáng là những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật thiếu nhi nước nhà, trong đó thấp thoáng có cả gương mặt của “thần đồng”.

Bên cạnh đó, nếu không có hơn 50 họa sĩ, nhà sưu tập cùng các vị Mạnh thường quân nhiệt tình ủng hộ tranh, vật phẩm; nếu không có nhà tài trợ Vespa, không có họa sĩ Lê Kinh Tài sẵn sàng bỏ bao công sức vẽ lên chiếc xe... thì cũng không thể có điểm nhấn của chương trình đấu giá nghệ thuật Vì mái trường cho em hôm nay. 3 cuộc đấu giá online vừa qua cũng như cuộc đấu giá trực tiếp 6 vật phẩm tiêu biểu sẽ diễn ra ít phút sau đây cũng sẽ không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các các nhà hảo tâm cùng những nhà đầu tư nghệ thuật đích thực.

Việc họ “xuống tiền” trả giá cho tác phẩm đã tạo ra nguồn kinh phí quý báu để xây sửa những mái trường thân yêu, đồng thời cũng góp phần tạo ra một thói quen hết sức lịch lãm: tiêu dùng nghệ thuật để cuộc sống của mình phong phú hơn và để thúc đẩy nghệ thuật phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục