Nhà khoa học “bắc cầu” đào tạo và nghiên cứu giữa Australia – Việt Nam

20:02' - 01/02/2022
BNEWS Tiến sĩ Trần Nam Nghiệp, Giám đốc đối tác chiến lược phụ trách khu vực Đông Nam Á của Đại học Adelaide là nhà khoa học luôn “trăn trở” kết nối các nguồn lực đào tạo và nghiên cứu hướng về quê hương.
Không chỉ là thành viên chính của nhóm các nhà khoa học đầu tiên tại Australia hợp tác với NASA nghiên cứu độ bền của dược phẩm trong môi trường không gian, Tiến sĩ Trần Nam Nghiệp còn được biết đến là Giám đốc đối tác chiến lược phụ trách khu vực Đông Nam Á của Đại học Adelaide-một nhà khoa học luôn “trăn trở” kết nối các nguồn lực đào tạo và nghiên cứu hướng về quê hương.

*Tiến sỹ với các dự án giảm phát thải

Là người con của Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Trần Nam Nghiệp đã mang “ấp ủ” nghiên cứu năng lượng sạch đến Australia vào đầu năm 2014.

Trong 4 năm làm nghiên cứu sinh ngành công nghệ hóa học tại Đại học Adelaide theo chương trình học bổng của chính phủ Australia, Tiến sỹ Nghiệp đã phát triển quy trình tổng hợp dầu diesel sinh học đạt hiệu quả và chất lượng cao từ nguồn dầu thải thu thập từ các hộ gia đình và hệ thống xử lý nước thải của các nhà hàng ở Adelaide, South Australia.

Bằng việc hợp tác với các công ty xử lý môi trường, nhóm nghiên cứu đã chuyển hóa thành công nguồn dầu thải thành diesel sinh học để cung cấp nhiên liệu sạch tại chỗ thay thế nhiên liệu hoá thạch dùng cho các đội xe thu gom, đồng thời giúp giảm chi phí xử lý nước thải. Đặc biệt, với công nghệ chiết tách mới, sản phẩm diesel sinh học đã loại bỏ được các chất độc hại như lưu huỳnh đáp ứng các tiêu chuẩn về nhiên liệu sạch của Australia.

“Trong tương lai, Việt Nam có thể áp dụng công nghệ này nếu có được nguồn dầu thải đủ lớn. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm tính tới kế hoạch thu gom dầu thải tại các cơ sở chế biến thức ăn, nhà hàng để đưa vào sản xuất nhiên liệu sạch giúp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời hạn chế được vấn nạn tái chế dầu thải thành các loại dầu ăn kém chất lượng và độc hại với sức khoẻ”, Tiến sỹ Nghiệp cho biết.

Bên cạnh nghiên cứu nhiên liệu sinh học, nhóm nghiên cứu của giáo sư Volker Hessel và Tiến sỹ Nghiệp (Đại học Adelaide) cũng đề xuất quy trình tổng hợp amoniac bằng công nghệ plasma lạnh đi từ nguyên liệu sinh khối trong sản xuất phân đạm ure hữu cơ. Theo đó, các phụ phẩm nông nghiệp sẽ được ủ để sinh khí methane (CH4) rồi đưa vào tháp nhiệt phân để phân hủy thành khí hydro xanh và carbon dạng rắn. Khí hydro xanh này sẽ được hòa trộn với khí nitơ thiên nhiên và đưa vào thiết bị tổng hợp amoniac sử dụng công nghệ plasma lạnh.

Nếu so sánh với quy trình Haber Bosch hiện được sử dụng rộng rãi để tổng hợp amoniac nhưng tạo ra phát thải chiếm tới 1% tổng lượng CO2 toàn thế giới, quy trình plasma hầu như không phát thải nếu các nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng làm nguồn cung ứng điện. Vì vậy, công nghệ mới này phù hợp với các vùng nông nghiệp lớn như Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những giải pháp khả thi để Việt Nam giảm phát thải và góp phần thực hiện cam kết không phát thải ròng vào năm 2050, Tiến sỹ Nghiệp cho biết.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) để nghiên cứu độ bền của dược phẩm (đầu tiên là thuốc giảm đau ibuprofen) trong môi trường không gian, phục vụ cho các chuyến thám hiểm vũ trụ dài ngày.

Bằng cách thay đổi một số phụ gia trong thành phần thuốc giúp kháng các tia độc hại trong không gian, nhóm nghiên cứu đã bước đầu tìm ra phương pháp tốt hơn để bảo quản thuốc trong môi trường không gian khắc nghiệt mà không phải sử dụng các tủ bảo quản (bằng chì) vốn có khối lượng rất lớn và chiếm chỗ trong các tàu vũ trụ.

Đầu năm 2021 vừa qua, NASA đã mang các mẫu thuốc đầu tiên của nhóm nghiên cứu lên trạm vũ trụ quốc tế ISS trong vòng 6 tháng và đã gửi lại các mẫu thuốc này trở lại phòng thí nghiệm của Đại học Adelaide vào tháng 11/2021 để các nhà khoa học tiếp tục các bước nghiên cứu tiếp theo.

*Kết nối nguồn lực hướng về quê hương

Với vai trò Giám đốc hợp tác chiến lược phụ trách khu vực Đông Nam Á, Tiến sỹ Nghiệp luôn trăn trở phát triển quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu giữa Đại học Adelaide với các trường đại học Việt Nam.

Theo đó, Tiến sỹ Nghiệp đã xúc tiến để Đại học Adelaide ký hợp tác với các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh trong đào tạo cử nhân liên kết 2+2.

Với ưu điểm được đào tạo theo tiêu chuẩn của đại học tại Australia và có quyền lợi như sinh viên học toàn thời gian ở Australia, sinh viên Việt Nam theo học chương trình liên kết này không chỉ được nhận bằng tốt nghiệp do Đại học Adelaide cấp mà còn tiết kiệm được gần 50% chi phí do có 2 năm đầu học tại Việt Nam. Ngoài ra, Đại học Adelaide cũng cấp nhiều suất học bổng học phí hỗ trợ cho sinh viên theo học chương trình này khi sang Australia học tiếp 2 năm cuối, Tiến sĩ Nghiệp cho biết. 

Cùng với việc thúc đẩy liên kết đào tạo, năm 2021 vừa qua, Tiến sỹ Nghiệp và đồng nghiệp đã xúc tiến đào tạo trực tuyến về an ninh mạng cho hơn 350 giáo viên trung học phổ thông của Việt Nam nhằm dạy học online an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Với hiệu quả mang lại, dự kiến chương trình đào tạo này sẽ được sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam và Tổ chức giáo dục QTS Australia để triển khai trên quy mô cả nước trong năm 2022.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, chương trình huấn luyện kỹ năng nghiên cứu và giao tiếp trong môi trường quốc tế cho giảng viên 9 trường đại học đối tác của Đại học Adelaide tại Việt Nam cũng đã được triển khai bằng nguồn kinh phí của phía Australia.

Đầu năm 2022, Đại học Adelaide đã thành công xin được tài trợ từ chính phủ Australia để gửi 45 sinh viên đại học của Australia đến trao đổi tại các trường đại học ở Việt Nam thông qua chương trình New Colombo Plan. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến ưa chuộng về thực tập và học tập ngắn hạn của sinh viên Australia mà còn là cầu nối quan trọng giúp tăng cường hợp tác quốc tế giáo dục, trao đổi kinh tế và ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Australia, Tiến sỹ Nghiệp cho biết.

*Trăn trở duy trì văn hóa Việt Nam

Là một gia đình người Việt sống ở Australia đã gần 10 năm, Trần Nam Nghiệp cũng như nhiều gia đình người Việt Nam khác luôn trăn trở duy trì tiếng mẹ đẻ và văn hoá Việt Nam cho các con của mình.

Thực tế là các con cái của gia đình người Việt tại Australia gần như sử dụng tiếng Anh toàn thời gian khi đi học. Khi về nhà, theo phản xạ tự nhiên cũng sẽ thích giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng Anh để đỡ phải suy nghĩ nhiều.

Để giúp các con học tiếng  mẹ đẻ, nhiều gia đình người Việt tại bang South Australia; trong đó có gia đình Tiến sỹ Nghiệp đã gửi các con theo học cuối tuần tại các trường đào tạo Việt ngữ của cộng đồng do chính phủ Australia tài trợ.

Bên cạnh đó, các nhóm gia đình người Việt ở Adelaide cũng thường tổ chức các chuyến dã ngoại tham quan mà hầu như chỉ sử dụng tiếng Việt. Thậm chí, các gia đình ở Adelaide còn tập trung các con để bố mẹ thay phiên nhau trông nom, trò chuyện bằng tiếng Việt nhằm tạo cơ hội cho các con thực tập tiếng cũng như hiểu được phần nào lịch sử văn hóa của Việt Nam.

Đặc biệt,  tất cả những ngày lễ tết, sinh hoạt cộng đồng như lễ hội Vietfest giới thiệu văn hóa của người Việt trên đất Australia, các gia đình người Việt ở Adelaide đều cố gắng đưa trẻ nhỏ đến tham gia.

Ngoài ra, dù rất bận nhưng mỗi cuối tuần, vợ chồng Tiến sỹ Nghiệp thường kết nối hai con trai của mình trò chuyện online với ông bà ở Việt Nam. “Đây là cách hiệu quả để các con tôi gắn bó tình cảm với quê nhà cũng như là cơ hội để các con rèn luyện tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng với sự nỗ lực của bố mẹ, văn hoá Việt Nam cùng với tiếng mẹ đẻ sẽ được các các con tôi và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài hấp thụ tự nhiên và hiệu quả nhất, nhờ vậy mà không bị mai một theo thời gian”, Tiến sỹ Nghiệp chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục