BNEWS
Trong thời gian nhà máy ngừng sản xuất, người lao động nghỉ việc tạm thời sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng 3,1 triệu đồng/người/tháng.
Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình (Nhà máy Đạm Ninh Bình) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, gặp sự cố và phải dừng sản xuất từ cuối tháng 3/2016.
Theo ông Vũ Văn Nhẫn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình, nhà máy sẽ ngừng sản xuất và đại tu lớn vào tháng 7 trong khoảng thời gian hơn 1 tháng.
Tuy nhiên, sự cố hỏng đường ống cửa vào máy nén kích lạnh hồi tháng 3 khiến Nhà máy phải dừng toàn bộ quá trình sản xuất. Do vậy, Ban lãnh đạo quyết định ngừng sản xuất kết hợp với sửa chữa, khắc phục sự cố kể trên.
Nhà máy đã phải bố trí khoảng 400 công nhân trong tổng số gần 1.000 công nhân nghỉ việc tạm thời hưởng lương ở mức lương tối thiểu vùng 3,1 triệu đồng/người/tháng.
Ông Ngô Xuân Trung, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình, khẳng định việc cho công nhân nghỉ tạm thời hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của đơn vị.
Trước khi cho công nhân nghỉ, Ban lãnh đạo đã họp bàn với Công đoàn và người lao động, trên tinh thần tự nguyện, chia sẻ, đã có 400 công nhân tự nguyện ký vào đơn nghỉ việc tạm thời.
Trong thời gian nghỉ tạm thời, người lao động được hưởng mức lương 3,1 triệu đồng/người/tháng; Công ty cam kết sẽ nhận công nhân quay trở lại làm việc ở vị trí trước khi nghỉ tạm và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Hiện việc sản xuất kinh doanh của nhà máy gặp nhiều khó khăn. Lượng sản phẩm tồn kho lớn với số lượng trên 50.000 tấn.
Trong khi đó giá u-rê nhập khẩu lại có giá thành thấp dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, giá u-rê nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trên dưới 5,6 triệu đồng/tấn, trong khi giá u-rê trong của nhà máy ở mức 6,1 đến 6,2 triệu đồng/tấn.
Ngoài lượng sản phẩm tồn kho lớn, nhà máy còn gặp khó khăn trước các tác động từ thị trường tiêu thụ, kết hợp với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên càng sản xuất càng thua lỗ.
Để khắc phục khó khăn, trong thời gian tới Công ty tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, làm mới hình thức bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm để sớm tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho.
Nếu lượng hàng tồn kho còn khoảng 10.000 tấn sản phẩm thì sẽ khởi động chạy lại máy và sản xuất bình thường. Theo dự kiến, nhà máy sẽ hoạt động trở lại từ đầu tháng 6.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình cho biết, mặc dù Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình trực thuộc Công đoàn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nhưng trước thực trạng 400 công nhân của Công ty trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải nghỉ việc hưởng lương ở mức lương tối thiểu vùng, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đã cử cán bộ đến tìm hiểu sự việc và phối hợp với đơn vị để giải quyết vụ việc.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình, đến thời điểm này, Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình vẫn thực hiện đúng quy trình quản lý, sử dụng lao động. Việc cho công nhân nghỉ tạm thời là hướng giải quyết trước mắt, nằm trong thỏa thuận giữa người sử dụng và người lao động, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người lao động./.