Nhận định chứng khoán tuần từ 10 -14/8: Dư địa tăng có thể không còn nhiều

13:47' - 08/08/2020
BNEWS Tuần qua (từ 3 - 7/8), thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp việc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và giá vàng liên tiếp phá kỷ lục.

Dù còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực về dịch COVID-19, giới chuyên gia tại các công ty chứng khoán vẫn cho rằng nhịp hồi phục vẫn tiếp tục, nhưng dư địa tăng của thị trường không còn nhiều.

*Điều chỉnh là cơ hội cơ cấu danh mục

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, VN - Index vẫn giữ được nhịp tăng điểm dù gặp áp lực điều chỉnh. Điều này cho thấy, động lực tăng của thị trường đang khá tốt và dự kiến sẽ bước vào vùng "tranh chấp" từ 850-880 điểm trong tuần giao dịch tiếp theo.

Ngoài ra, yếu tố phân hóa trên thị trường vẫn đang được duy trì. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn các cổ phiếu đã có giai đoạn tích lũy và tín hiệu kỹ thuật tốt để giải ngân.

Thực tế, thị trường Chứng khoán Việt Nam khép lại 1 tuần tăng trọn vẹn và lọt Top các thị trường có mức tăng tốt nhất trên thế giới tổng tuần vừa qua.

Kể từ khi thị trường chạm đáy ngày 27/7 cho tới nay, chỉ số VN - Index đã tăng tới 7/10 phiên, mức tăng 5 phiên liên tiếp trong tuần vừa qua giúp thị trường lấy lại toàn bộ thành quả đã mất kể từ phiên giảm đầu tiên ngày 24/7 (tính theo giá đóng cửa), các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS cho biết.

Theo MBS, về kỹ thuật, các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho nhịp phục hồi.  Các nhịp chốt lời sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên ở tuần sau khi lượng hàng T+ đang ở trạng thái lãi ngắn hạn. Ngưỡng cản của thị trường có thể ở vùng 854 - 857 điểm, các nhịp điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho rằng, trong tuần tới, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn tương đối thiếu vắng về mặt thông tin. Do đó, diễn biến thị trường có thể sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang quen dần với những thông tin về dịch COVID - 19, tuy nhiên các diễn biến mới về dịch COVID-19 vẫn sẽ là yếu tố có thể tạo rủi ro đối với thị trường.

Ông Bách dự báo chỉ số VN - Index có thể điều chỉnh nhẹ trong một vài phiên đầu tuần tới trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 852-858 điểm trong ngắn hạn.

Thực tế, tuần qua thị trường có sự hồi phục mạnh về mặt điểm số nhưng thanh khoản lại sụt giảm.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 3 -7/8), VN - Index tăng 43,07 điểm (5,4%) lên 841,46 điểm; HNX - Index tăng 5,268 điểm (4,9%) lên 112,78 điểm. Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Theo đó, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 7,1% xuống 21.784 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,8% xuống 1.375 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 4,6% lên 2.320 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 10,1% xuống 219 triệu cổ phiếu.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) với việc thị trường hồi phục trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng. Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 8,5% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như HPG tăng 11,5%, HSG (17,9%), NKG (12,3%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng với mức tăng 7,7% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như VNM tăng 7,9%, MSN (7,1%), SAB (9,5%), BHN (1,2%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng 6,7% giá trị vốn hóa, với các mã như BSR tăng 5,1%, OIL (8,7%), PLX (5,7%), PVS (12,1%), PVB (12,9%)... Ngành ngân hàng tăng 6,2% do các trụ cột trong ngành đều lên giá như VCB tăng 8,5%, BID (4%), CTG (7,3%), MBB (3,5%), TCB (5,5%), VPB (5,2%), ACB (5,3%), SHB (5,9%)...

Các nhóm ngành cổ phiếu khác đều được mua vào và đồng loạt hồi phục như dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2%, công nghiệp tăng 5,9%, tiện ích cộng đồng tăng 5,6%, công nghệ thông tin tăng 5,3%, tài chính tăng 2,4%, dược phẩm và y tế tăng 2,4%...

Các chuyên gia từ SHS nhận định, thị trường hồi phục trong tuần qua nhưng với thanh khoản có sự suy giảm và hiện ở mức thấp hơn trung bình 20 tuần cho thấy, dòng tiền có dấu hiệu chững lại thời điểm hiện tại.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN -Index đã lấy lại được ngưỡng quan trọng quanh 840 điểm. Tuy nhiên, chưa cho thấy dấu hiệu vượt ngưỡng này một cách dứt khoát nhưng cũng đã ở khá gần quanh ngưỡng 850 điểm nên dư địa tăng là không còn nhiều. Khối ngoại quay trở lại bán ròng với khoảng 150 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực.

SHS dự báo  trong tuần giao dịch tiếp theo (10 -14/8), VN-Index có thể sẽ giao dịch giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 840- 850 điểm. Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy một phần danh mục quanh ngưỡng 800 điểm có thể cân nhắc chốt lời trong tuần tới tại khoảng giá hiện tại hoặc cao hơn.

Thực tế, thị trường chứng khoán tăng bất chấp giá vàng liên tục lập đỉnh và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong cả tuần, giá vàng thế giới tăng 2,1%. Kim loại quý này lên giá chín tuần liên tiếp, ghi dấu chuỗi tăng giá dài nhất kể từ sau giai đoạn kết thúc vào ngày 12/5/2006.

Theo nhà phân tích thị trường Han Tan của FXTM, tình hình đầu tư toàn cầu đang tạo đà tăng cho giá vàng trong quý này. Ông cho biết, giá kim loại quý này đã tăng 15% kể từ ngày 30/6, với ngưỡng tâm lý 2.100 USD/ounce có thể đạt được trong thời gian tới.

Giá vàng trong nước cũng liên tiếp phá đỉnh, dù giảm mạnh vào phiên cuối tuần nhưng hiện giá vàng trong nước vẫn ở mức hơn 60 triệu đồng/lượng.

*Chứng khoán Mỹ "thăng hoa"

Tuần qua, thị trường chứng khoán Phố Wall chứng kiến sắc xanh bao phủ với chỉ số công nghệ Nasdaq liên tiếp lập nhiều mức cao kỷ lục mới.

Diễn biến này ghi nhận trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào những biện pháp kinh thích kinh tế của Mỹ bất chấp các cuộc đàm phán về gói chi tiêu khẩn cấp mới chưa có tiến triển.

Kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế bổ sung và vắc-xin ngăn ngừa dịch COVID-19 đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng điểm suốt cả tuần. Giới đầu tư thậm chí "phớt lờ" số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn kỳ vọng.

Đáng chú ý, trong ngày 6/8, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite xác lập kỷ lục phiên thứ tư liên tiếp, đóng cửa phiên tăng lên 11.108,07 điểm. Đây là phiên chỉ số này tăng cao kỷ lục (1%) và là lần đầu tiên kết thúc vượt ngưỡng 11.000 điểm.

Đến phiên cuối tuần (7/8), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 27.433,48 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng nhích thêm 0,1% và đóng cửa ở mức 3.351,28 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq trong phiên này hạ 0,9% xuống 11.010,98 điểm.

Khép lại tuần giao dịch đầy "thăng hoa", chỉ số công nghiệp Dow Jones tiến thêm 3,8% - mức tăng cao nhất kể từ tuần kết thúc ngày 5/6. Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều tăng thêm 2,5%.

Đàm phán ở Washington về kế hoạch chi tiêu khẩn cấp mới và mở rộng chương trình chi trả trợ cấp thất nghiệp đã không đạt được tiến triển trước khi Quốc hội nghỉ Hè, khiến tiến trình này vẫn tiếp tục bị kéo dài. Giới chuyên gia nhận định bất chấp tình trạng bế tắc, các nhà đầu tư tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ giải quyết được những bất đồng trên.

Bên cạnh đó, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng xấu đến đà phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng các chương trình nới lỏng tiền tệ lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát đi những tín hiệu tích cực.

Mặt khác, các số liệu việc làm mới công bố dự kiến sẽ gây sức ép lên Chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ trong việc phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ hai vốn đã chậm trễ do những khác biệt quan điểm về các vấn đề chính như giá trị khoản hỗ trợ mà chính phủ dành cho hàng chục triệu lao động thất nghiệp của nước này.

Bộ Lao động Mỹ ngày 7/8 cho biết, số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2020 đã tăng 1,763 triệu việc làm, sau khi đạt mức tăng kỷ lục 4,791 triệu việc làm trong tháng 6/2020. 

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2020 đã giảm xuống 10,2%, từ mức 11,1% trong tháng 6/2020, song có thể chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Theo số liệu thống kê, ít nhất 31,3 triệu lao động của Mỹ đã nhận hỗ trợ thất nghiệp hồi giữa tháng 7/2020.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, căng thẳng Mỹ-Trung đẩy các thị trường chứng khoán vào "vùng đỏ" trong phiên 7/8. Tâm lý của các nhà đầu tư trong phiên này còn bị tác động bởi việc các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa thống nhất được về gói kích thích kinh tế mới giữa bối cảnh số ca lây nhiễm dịch COVID-19 không ngừng gia tăng.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các thương nhân nước này làm ăn kinh doanh với các công ty chủ quản của các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc như TikTok và WeChat, trong đó ông viện dẫn những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.

Động thái trên có hiệu lực sau 45 ngày, đây là "phát súng" mới nhất trong cuộc tranh chấp công nghệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, đồng thời làm "dài thêm danh sách những vấn đề khác biệt" xuất hiện trong vài tháng gần đây.

Khép phiên cuối tuần qua (7/8), tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 22.329,94 điểm. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc) hạ 1,6% xuống 24.531,62 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 1% xuống 3.354,04 điểm.

Giá cổ phiếu của Tencent, công ty mẹ của WeChat, có thời điểm mất tới 10% giá trị trên thị trường Hong Kong trước khi đóng phiên giảm 6%.

Chứng khoán Wellington và Jakarta phiên này giảm 1%, trong khi chứng khoán Sydney, Mumbai, Taipei, Singapore, Manila và Bangkok cũng nằm trong "vùng đỏ". Chứng khoán Seoul phiên này đi lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục