Nhân rộng cây trồng xen trong vườn cà phê

11:52' - 26/04/2018
BNEWS Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đã nhân rộng việc trồng xen cây hồ tiêu và các loại cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng trong vườn cà phê.
Nhân rộng cây trồng xen trong vườn cà phê. Ảnh: TTXVN

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê của các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tập trung chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên đã nhân rộng việc trồng xen cây hồ tiêu và các loại cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng như bơ, sầu riêng, mắc ca… trong vườn cà phê.

Điều này không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các nông hộ, hạn chế rủi ro về giá cả, biến động của thị trường mà cây trồng xen còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm góp phần phát triển bền vững vườn cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích cà phê nhất cả nước, đây cũng là địa phương đi đầu trong phát triển mạnh đưa cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mít nghệ… vào trồng xen trong vườn cà phê.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có gần 39.100 ha cây hồ tiêu, sầu riêng, bơ… được trồng xen trong vườn cà phê, chiếm gần 22% trong tổng diện tích cà phê có cây trồng xen.

Trong đó, loại hình trồng xen nhiều nhất là hồ tiêu với tổng diện tích gần 20.000 ha; bơ, sầu riêng với diện tích 11.651 ha, diện tích còn lại là các cây trồng xen khác.

Kế đến là tỉnh Đắk Nông có gần 37.766 ha các loại cây ăn quả dài ngày được trồng xen trong vườn cà phê (chiếm 30% trong tổng diện tích cà phê).

Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích cà phê 158.624 ha; trong đó đã có 20.858 ha cà phê được các nông hộ trồng xen bơ, sầu riêng, mắc ca, cây hồng và các loại cây ăn quả dài ngày khác (chiếm 13,15% trong tổng diện tích cà phê )…

Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở khu vực này cũng đã tuyển chọn đưa các giống mới, có năng suất cao, được thị trường ưa chuộng vào trồng xen đại trà trong các vườn cà phê như tiêu Phú Quốc, tiêu trâu, tiêu Lộc Ninh, Vĩnh Linh, Ấn Độ, sầu riêng giống Dona, Ri6, bơ Booth, Hass, bơ sáp địa phương, mác ca giống OC, 816, QN1…

Các đơn vị chức năng cũng đã hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp bố trí mật độ, khoảng cách từng loại cây trồng xen thích hợp trong vườn cà phê, đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật tưới nước, bón phân, chăm sóc, tỉa cành hợp lý để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Qua thực tế cho thấy, mặc dù trồng xen các loại cây hồ tiêu, cây ăn quả dài ngày trong vườn cà phê nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cà phê (vẫn đạt từ 2 tấn cà phê nhân trở lên/ha).

Cũng theo Cục Trồng trọt, qua khảo sát cụ thể tại Đắk Lắk, mô hình trồng xen hồ tiêu trong cà phê cho thu nhập trung bình hơn 191,3 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 1,69 lần so với cà phê trồng thuần, bơ xen cà phê cho thu nhập gần 400 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3,52 lần so với cà phê trồng thuần, sầu riêng trồng xen trong cà phê cho thu nhập trên trên 390 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3,44 lần so với trồng thuần cà phê…

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ có trồng cà phê đã kiến nghị Nhà nước sớm xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày trong vườn cà phê, các tài liệu hướng dẫn…, làm cơ sở cho các địa phương chỉ đạo sản xuất cũng như các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê áp dụng để mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, trong tổng số 617.228 ha cà phê của 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu thì có đến 115.282 ha cà phê có trồng xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca, các loại cây ăn quả khác, chiếm 18,7% diện tích cà phê của cả nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục