Nhân rộng cơ sở an toàn dịch bệnh để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu

21:17' - 08/09/2017
BNEWS Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tình hình dịch bệnh trên gia cầm ở vùng dự án đã giảm rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc chế biến thịt gà xuất khẩu. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, điều này đã và đang tạo đà cho một số chuỗi sản xuất thịt gà, trứng gà xuất khẩu sang một số thị trường; trong đó có cả thị trường được xem khó tính nhất như Nhật Bản.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Tổng kết Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 8/9.

Đầu năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án “thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại 5 tỉnh, gồm Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Đề án này được xây dựng nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu thịt, trứng gia cầm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể từ khi triển khai Đề án đến nay, tình hình dịch bệnh tại 5 tỉnh trên đã giảm rõ rệt, nhất là 2 bệnh cúm gia cầm và NewCastle.

Tại các tỉnh này cũng không xuất hiện bệnh dịch tả lợn, riêng dịch lở mồm long móng chỉ xảy ra nhỏ lẻ ở hộ chăn nuôi gia đình….

Các đánh giá cho thấy, việc triển khai Đề án này đã góp phần tạo thuận lợi cho việc xuất bán sản phẩm chăn nuôi từ cơ sở an toàn dịch bệnh, thay vì phải thực hiện kiểm dịch xuất tỉnh từng lô hàng như trước đây.

Bên cạnh đó, đã và đang có một số chuỗi sản xuất thịt gà, trứng gà xuất khẩu.

Đơn cử như Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai xuất khẩu thành công thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản; sản phẩm trứng gia cầm đã được xuất sang một số thị trường như Singapore, Nhật Bản…

Tuy nhiên, Đề án này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung nên nguy cơ về dịch bệnh vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mặt khác, thời điểm triển khai Đề án trùng với tình hình giá cả thị trường chăn nuôi không ổn định, giá bán sản phẩm an toàn dịch bệnh, sản phẩm tham gia vào chuỗi lại chưa có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm bình thường nên người chăn nuôi chưa tích cực hưởng ứng tham gia đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn của các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành nhân rộng việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ra phạm vi cả nước và mở rộng thêm các đối tượng khác để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tổ chức đàm phán với các nước để đánh giá công nhận hệ thống quản lý kiểm dịch của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Trong trường hợp cần thiết sẽ có các văn bản ký kết hoặc thỏa thuận để rộng đường cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Cục Thú y hướng dẫn, phổ biến cho các địa phương và doanh nghiệp tiếp cận với quy trình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các thị trường./.

Xem thêm:

>>>Đối thoại về vấn đề an toàn thực phẩm: Vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó cho doanh nghiệp

>>>100 học sinh tại Yên Bái nghi bị ngộ độc thực phẩm ngay sau lễ khai giảng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục