Nhân tố nào thúc đẩy cơn sốt Bitcoin?

06:30' - 28/12/2017
BNEWS Bitcoin xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thường được xem như đơn vị tiền tệ được lựa chọn bởi thế hệ Y, hoặc các nhóm rửa tiền, tội phạm, người mua ma túy và dân môi giới kinh doanh.
Nhân tố nào thúc đẩy cơn sốt Bitcoin? Ảnh: AFP/TTXVN

Ẩn mình trong một góc yên tĩnh của Singapore, khu sản xuất này trông giống như một khu ổ chuột dưới lòng đất. Nhưng theo Dexter Ng, công việc ở đây là để chuẩn bị cho tương lai.

Tự giới thiệu là doanh nhân trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số, Dexter Ng là Giám đốc công nghệ của SG Mining - một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dàn máy "đào tiền ảo". Đây là những máy tính dùng để giải các thuật toán phức tạp nhằm giúp người dùng kiếm tiền ảo như Bitcoin.

Ông Ng cho biết trước đây công ty chỉ có thể bán hai hoặc ba thiết bị một tuần, giờ đây con số này lên đến hàng trăm. Một số thiết bị được bán ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thừa nhận Bitcoin và đã xây dựng lòng tin bằng cách hợp pháp hoá các loại tiền kỹ thuật số.

Gần đây, một công ty Nhật Bản tuyên bố bắt đầu trả một phần lương nhân viên bằng Bitcoin. Australia cũng chấp nhận tiền kỹ thuật số, nhưng hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh loại hình này bởi làn sóng các nhà đầu tư không chuyên đang đổ vào thị trường.

Có thời điểm các nhà đầu tư Trung Quốc được cho là chiếm ít nhất 80% quyền sở hữu Bitcoin, nhưng Bắc Kinh hiện đang rất thận trọng. Lo ngại dòng tiền chảy vào thị trường, Trung Quốc đã cấm tiền kỹ thuật số bằng cách cấm huy động vốn bằng tiền ảo (ICO).

Trung Quốc không đơn độc trong sự thay đổi này. Việt Nam đã cấm Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số. Ấn Độ và Indonesia đang xem xét các quy định liên quan.

Chỉ trong tuần này, Singapore đã chuyển đổi từ thái độ ôn hòa sang cảnh báo một cách thận trọng đối với người dân về những rủi ro “đáng kể” có thể xảy ra nếu họ tiếp tục đầu tư vào tiền ảo.

Nhưng điều đó không ngăn cản các nhà đầu tư ở đây thử vận may của họ. Tại một cuộc trao đổi về Bitcoin ở Singapore, BBC ghi nhận một nhóm những người đam mê mà mỗi người bỏ khoảng 100 USD mỗi tuần để mua tiền ảo.

Một người đàn ông trong nhóm này nói rằng “đây là tiền tệ của tương lai”. Anh ta không muốn tiết lộ danh tính vì không muốn sếp biết mình đang mua Bitcoin.

Bitcoin xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó thường được xem như đơn vị tiền tệ được lựa chọn bởi thế hệ Y (những người trẻ đang ở độ tuổi 20, 30), hoặc các nhóm rửa tiền, bọn tội phạm, người mua ma túy và dân môi giới kinh doanh.

Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người châu Á bắt đầu coi đồng tiền kỹ thuật số này như một cách kiếm tiền nhanh, đồng thời là cách để bảo vệ tiền tiết kiệm của họ trước cuộc khủng hoảng chính trị và lãi suất thấp.

Theo Zann Kwan, người sáng lập Bitcoin Exchange, nhiều khách hàng coi Bitcoin là một loại vàng kỹ thuật số, "đó là sự tiếp nối với tư duy tiết kiệm hay hình thức tiết kiệm của người châu Á”.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng môi trường lãi suất thấp hoặc bằng không ở Nhật Bản, những quy định nghiêm ngặt về việc rút tiền ra khỏi Trung Quốc và lo ngại cuộc khủng hoảng Triều Tiên ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc là lý do tại sao rất nhiều người ở châu Á đang cố gắng kiếm tiền từ cơn sốt Bitcoin.

Trên nóc tòa Singapore Landmark Tower tọa lạc câu lạc bộ Skyline Crypto. Tại đây khách hàng có thể trả tiền đồ uống bằng cách sử dụng Ethereum, một loại tiền ảo phổ biến và ngày càng có giá trị. Hiện tại, loại tiền này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ các giao dịch, nhưng các chủ sở hữu câu lạc bộ hy vọng rằng nó sẽ phát triển.

Quản lý câu lạc bộ, ông Subhaish Rajamanickam cho hay họ cung cấp một gói Bitcoin Giao thừa cho Năm mới, theo đó khách hàng trả cho một đêm trong câu lạc bộ bằng một Bitcoin. Với giá rượu ngày hôm nay, con số đó vào khoảng 17.000 USD.

Bitcoin cũng rất khó lường, như rượu dễ bay hơi. Không ai dám chắc nó có đủ để giúp bạn mua một hay hai ly cocktail trong tương lai hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục