Nhật Bản đặt mục tiêu mới về năng lượng hạt nhân hậu Fukushima
Theo báo Japan Times số ra mới đây, Nhật Bản sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân, từ bỏ chính sách kéo dài hàng thập kỷ về việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này và đảo ngược các biện pháp hạn chế được đưa ra sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011.
Đề xuất dự thảo Chính sách năng lượng cơ bản mới
Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào than và khí đốt tự nhiên để sản xuất hơn 60% sản lượng điện vào năm ngoái, đã đề xuất một chiến lược năng lượng mới hôm 17/12, trong đó kêu gọi sử dụng cả năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo “ở mức tối đa” để duy trì tăng trưởng và giúp hạn chế khí thải. Dự thảo chính sách năng lượng cơ bản dự kiến sẽ được thông qua, cũng khuyến nghị xây dựng các lò phản ứng hoàn toàn mới.
Theo chiến lược do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản soạn thảo và được tư vấn bởi một nhóm chuyên gia gồm 16 người, năng lượng hạt nhân sẽ chiếm khoảng 20% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm tài chính 2040 và năng lượng tái tạo chiếm khoảng 40% đến 50%. Đó là sự tiếp nối mục tiêu trong kế hoạch năng lượng cơ bản trước đó, nêu rõ năng lượng hạt nhân chiếm từ 20% đến 22% trong cơ cấu vào năm 2030. Điều này cho thấy cam kết của quốc gia đối với công nghệ này sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới.
Theo số liệu mới nhất của METI, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 23% cơ cấu điện năng trong năm tài chính 2023 và hạt nhân chiếm khoảng 8,5%.
Các quốc gia trên toàn cầu đang thúc đẩy sự phục hưng của năng lượng hạt nhân khi các chính phủ và ngành công nghiệp “khát điện” tìm cách tăng cường an ninh năng lượng bằng cách hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu và đảm bảo nguồn cung cấp điện đáng tin cậy không phát thải.
Tại một cuộc họp hội đồng vào ngày 17/12, Ủy viên Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng thuộc METI – ông Yoshifumi Murase cho biết: “Quốc gia của chúng tôi không có sẵn các nguồn tài nguyên và có nhiều thách thức về mặt địa lý, với địa hình đồi núi và vùng nước sâu” nên gặp hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo. Ông nói thêm: “Nhật Bản vẫn tiếp tục có những điểm yếu trong nguồn cung cấp năng lượng của mình”.
Việc bổ sung thêm nguồn điện không phát thải được coi là tối quan trọng để Nhật Bản có thể thu hút thêm nhiều nhà điều hành trung tâm dữ liệu (data center) và sản xuất tiên tiến như nhà máy bán dẫn. Google của Alphabet và công ty dịch vụ đám mây Ubitus do “gã khổng lổ” Nvidia hậu thuẫn đều đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân tại quốc gia này, trong khi các công ty bao gồm Microsoft đã đầu tư vào việc xây dựng những nhà máy điện Mặt Trời tại địa phương.
Chiến lược năng lượng cập nhật cũng sẽ cho phép Nhật Bản, nước gây ô nhiễm carbon dioxide (CO2) lớn thứ 5, thúc đẩy những nỗ lực khử carbon. Nhật Bản hiện đang xem xét mục tiêu mới là cắt giảm 60% lượng khí thải vào năm 2035 so với mức năm 2013, mặc dù mục tiêu này vẫn ít tham vọng hơn so với các quốc gia như Vương quốc Anh.
Trước đây, năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 1/3 cơ cấu năng lượng của Nhật Bản và tất cả 54 lò phản ứng của quốc gia này đã ngừng hoạt động sau thảm họa năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trong số 33 lò phản ứng còn tồn tại, chỉ có 14 lò phản ứng đã hoạt động trở lại. Một chính sách được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2014 đã kêu gọi quốc gia này giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
Theo khuyến nghị của ban cố vấn, Nhật Bản nên cân nhắc thay thế các nhà máy đã ngừng hoạt động bằng những lò phản ứng mới, tiên tiến hơn. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng hạt nhân có thể sẽ là thách thức, vì các quy định nghiêm ngặt vẫn được áp dụng sau thảm họa Fukushima. Các công ty cung cấp dịch vụ tiện ích cũng phải trải qua một quá trình dài để giành được sự đồng ý của công chúng và đáp ứng những quy định khác.
Nhật Bản coi hạt nhân là nguồn điện cơ bản rẻ nhất vào năm 2040
Theo các tài liệu công bố từ cuộc họp về chi phí điện bình quân (LCOE) cho mỗi tài sản điện của Hội đồng METI ngày 16/12 – một ngày trước khi METI công bố dự thảo, chi phí xây dựng và vận hành một nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2040 ước tính là 12,5 yen (0,08 USD) cho mỗi kilowatt-giờ. Chi phí này giả định rằng các lò phản ứng sẽ được sử dụng trong 40 năm với tỷ lệ hoạt động 70%.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 – thời điểm đưa chính sách năng lượng gần nhất cho thấy, các nhà máy điện chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là nguồn điện rẻ nhất vào năm 2030. Tuy nhiên, phân tích mới nhất đã bao gồm chi phí để giảm phát thải và giá nhiên liệu cũng cao hơn thời điểm năm 2021.
Trong khi đó, theo tài liệu mới nhất, các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như năng lượng Mặt Trời có giá thấp hơn năng lượng hạt nhân vào năm 2040. Tuy nhiên, khi bao gồm tổng chi phí hệ thống, bao gồm cả việc triển khai pin, năng lượng hạt nhân lại rẻ hơn năng lượng Mặt Trời trong một số trường hợp.
Phân tích công bố hôm 16/12 cũng ước tính LCOE của điện đồng đốt amoniac và hydro, cũng như kết hợp thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) với các nhà máy điện LNG và than - các công nghệ mà Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cho quá trình chuyển đổi năng lượng dài hạn của mình. Đồng đốt với hydro đã làm tăng chi phí của một nhà máy LNG để triển khai vào năm 2040, trong khi CCS không làm thay đổi đáng kể giá.
Giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
Theo nhóm chuyên gia METI, nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ chiếm từ 30% đến 40% cơ cấu năng lượng của Nhật Bản vào năm 2040, so với 69% trong năm tài chính 2023. Có thể nói, chiến lược mới này vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng liên tục của than và LNG, đồng thời kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tiếp tục phát triển các nguồn tài nguyên trong và ngoài nước.
Trong khi trọng tâm chính của kế hoạch năng lượng trước đây là phi carbon hóa, những rủi ro địa chính trị gia tăng, bao gồm cả xung đột tại Ukraine, đã chuyển sự chú ý nhiều hơn sang an ninh năng lượng.
Dự báo năm 2040 cho rằng nhu cầu điện sẽ tăng từ 12% đến 22% so với mức năm 2023 nên tất cả các mục tiêu đều là tạm thời. Mặc dù kế hoạch năng lượng hiện tại đến năm 2030 đặt mục tiêu nhiên liệu mới như hydro và amoniac sẽ chiếm khoảng 1% tổng lượng điện, nhưng kế hoạch cập nhật lại bỏ qua những mục tiêu cụ thể cho các loại nhiên liệu này.
Cuộc họp chung của METI và Bộ Môi trường Nhật Bản vào tháng trước đã công bố dự thảo chiến lược kêu gọi cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035 và cắt giảm 73% vào năm 2040 như “con đường một chiều” hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Giải cứu thép nội địa - nhiệm vụ không dễ với Canada
06:30'
Bộ Tài chính Canada sẽ hạn chế lượng thép nước ngoài nhập khẩu bằng cách áp thuế đối với các mặt hàng vượt quá ngưỡng quy định từ những quốc gia không có FTA với Canada.
-
Phân tích - Dự báo
Thách thức giảm phát thải carbon thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh
05:30'
Thách thức về giảm phát thải carbon và lưu trữ khí nhà kính đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác và chế biến hydrocarbon.
-
Phân tích - Dự báo
Đồng USD có khởi đầu năm tệ nhất trong nửa thế kỷ
06:30' - 04/07/2025
Theo tờ New York Times, đồng tiền của Mỹ đã giảm hơn 10% trong sáu tháng qua, khi so sánh với những đồng tiền của các đối tác thương mại lớn trong rổ tiền tệ quốc tế.
-
Phân tích - Dự báo
Cuộc dịch chuyển chiến lược của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu
05:30' - 04/07/2025
Theo tờ China Daily, các chuyên gia trong ngành cho biết những nhà sản xuất ô tô đa quốc gia đang đẩy nhanh các nỗ lực để nội địa hóa hoạt động ở Trung Quốc.
-
Phân tích - Dự báo
Đông Nam Á trên bàn cờ thương mại mới - Bài cuối: Địa kinh tế xoay trục
06:30' - 03/07/2025
Theo trang thediplomat.com, tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của các quốc gia Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các cường quốc thương mại hàng đầu thế giới.
-
Phân tích - Dự báo
Đông Nam Á trên bàn cờ thương mại mới - Bài 1: Sự tham gia chiến lược
05:30' - 03/07/2025
Chính sách thuế quan đối ứng của Chính phủ Mỹ đã đóng vai trò như một chất xúc tác, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nhanh chóng các khối thương mại trong khu vực châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á.
-
Phân tích - Dự báo
Trung Quốc và bàn cờ ảnh hưởng tại lục địa Đen
06:30' - 02/07/2025
Theo tờ The Economist, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, bao gồm từ quần áo đến nồi chiên không dầu tràn ngập thị trường, đang thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở châu Phi.
-
Phân tích - Dự báo
Chi phí và lợi ích của các chuỗi giá trị toàn cầu
05:30' - 02/07/2025
Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích, song lập luận kinh tế để rút lui khỏi chúng cũng không hề rõ ràng.
-
Phân tích - Dự báo
Nhà Trắng và Fed: Cuộc đọ sức định hình lại trật tự tài khoá Mỹ
06:30' - 01/07/2025
Trong hàng loạt phát biểu và bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì từ chối hạ lãi suất.