Nhật Bản sẽ thận trọng giám sát các diễn biến trên thị trường tiền tệ

18:10' - 13/04/2022
BNEWS Nhật Bản sẽ giám sát một cách thận trọng các diễn biến trên thị trường tiền tệ, trong đó có sự mất giá gần đây của đồng yen và tác động tới nền kinh tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Tokyo ngày 13/4, bình luận về việc đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua so với đồng USD, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định nước này sẽ giám sát một cách thận trọng các diễn biến trên thị trường tiền tệ, trong đó có sự mất giá gần đây của đồng yen và tác động tới nền kinh tế.
 

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 13/4, đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua so với đồng bạc xanh của Mỹ sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda bày tỏ ý định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Trong phiên giao dịch này, có thời điểm đồng yen được trao đổi với đồng bạc xanh của Mỹ ở mức giá 126,31 yen đổi 1 USD, thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Vào lúc 17 giờ ngày 13/4 (giờ Tokyo), tỷ giá giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo là 126,05-06 yen đổi 1 USD, giảm mạnh so với mức giá đóng cửa 125,52-53 yen đổi 1 USD của phiên giao dịch ngày 12/4.

Không chỉ giảm giá so với USD, đồng yen cũng mất giá so với euro. Tỷ giá giữa hai đồng tiền này ở Tokyo vào lúc 17 giờ là 136,62-66 yen đổi 1 euro, giảm so với mức giá 136,44-136,48 yen đổi 1 euro vào lúc đóng cửa của phiên hôm qua.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho đồng yên mất giá mạnh là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách về chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục nới rộng nếu BoJ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Điều này dẫn tới tình trạng bán tháo đồng yen.

Vài giờ trước đó, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda tuyên bố ngân hàng trung ương này sẽ “kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng hiện nay” nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Bình luận về phát biểu của Thống đốc BoJ, ông Takuya Kanda, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Gaitame.com, cho rằng có một số điều kiện dẫn tới việc tỷ giá tăng lên, nhưng các phát biểu của ông Kuroda đã nhấn mạnh các cách tiếp cận khác biệt giữa BoJ với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến nhà đầu tư bán tháo đồng yen.

Trước đó, tỷ giá giao dịch của đồng yen đã tăng lên mức 115 yen đổi 1 USD vào đầu tháng 3/2022 trước khi Fed quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2018, đồng thời phát đi tín hiệu có thêm nhiều đợt tăng lãi suất khác trong năm nay nhằm đối phó với lạm phát.

Việc đồng yen mất giá sẽ góp phần tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và tăng khả năng cạnh tranh về giá của các hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại sự sụt giảm của đồng yen có thể sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản do giá cả lương thực và năng lượng nhập khẩu gia tăng sẽ tác động tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân - một trong hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản.

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Tokyo vẫn phản ứng khá tích cực với việc đồng yen mất giá. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/4, chỉ số Nikkei-225 tăng 1,93% so với phiên giao dịch trước lên 26.843,49 điểm. Chỉ số Topix cũng tăng 1,42% lên 1.890,06 điểm.

Giới phân tích nhận định tâm lý của nhà đầu tư đã cải thiện sau khi các số liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng Ba vẫn nằm trong các ước đoán của thị trường, qua đó làm dịu các quan ngại về khả năng Fed có thể sẽ có cách tiếp cận quyết liệt hơn để kiềm chế lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục