NHCSXH đặt mục tiêu 70% quy trình cho vay được số hóa trước năm 2030

07:30' - 04/05/2025
BNEWS Trong những năm gần đây, đổi mới và sáng tạo đã trở thành một trong những yếu tố then chốt trong hoạt động của hệ thống NHCSXH.
Đảng bộ Trung ương Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) vừa ban hành Nghị quyết số 2093/NQ-ĐU nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Nghị quyết này đặt mục tiêu tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Đổi mới vượt qua giới hạn địa lý

Trong những năm gần đây, đổi mới và sáng tạo đã trở thành một trong những yếu tố then chốt trong hoạt động của hệ thống NHCSXH, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa. Một minh chứng cụ thể là tại huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), nơi địa hình hiểm trở và điều kiện dân trí còn hạn chế, cán bộ tín dụng vẫn chủ động đề xuất và thực hiện nhiều sáng kiến thiết thực. Những giải pháp như nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong cho vay nhà ở xã hội hay cải tiến hoạt động ủy nhiệm cho các tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả triển khai chính sách tại địa phương.

 
Ở cấp độ toàn hệ thống, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội là đơn vị tiêu biểu trong việc ứng dụng đổi mới sáng tạo vào hoạt động chuyên môn. Chi nhánh này đã chủ động tham mưu và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thành phố trong thực hiện các chương trình tín dụng xã hội, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Tổng dư nợ tại chi nhánh này tính đến nay đạt hơn 17.600 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,8%, cao nhất cả nước. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,02%, phản ánh chất lượng tín dụng được duy trì ổn định.

Giai đoạn 2020–2021, NHCSXH cũng đã ghi nhận hơn 1.000 sáng kiến trong chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Những đóng góp này góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách ngay cả trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Hướng tới nền tảng công nghệ hiện đại

Từ năm 2021, NHCSXH đã triển khai nhiều bước đi cụ thể để thực hiện chuyển đổi số theo định hướng của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngân hàng đã xây dựng Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, số hóa quy trình nghiệp vụ và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số.

Hiện tại, NHCSXH đang triển khai nâng cấp hệ thống Core Banking lên nền tảng Intellect Digital Core nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại hơn. Đồng thời, ngân hàng cũng nghiên cứu phát triển các dịch vụ trên nền tảng Mobile banking, tích hợp ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, hướng tới nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHCSXH thẳng thắn nhìn nhận: trình độ, quy mô và tốc độ chuyển đổi số của hệ thống vẫn còn khiêm tốn so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết số 2093/NQ-ĐU được xem là bước khởi đầu cho một chiến lược phát triển đột phá, bắt kịp xu thế và yêu cầu mới của nền kinh tế số.

Nghị quyết 2093/NQ-ĐU đề ra nhiều mục tiêu định lượng rõ ràng. Đến năm 2030, NHCSXH phấn đấu xây dựng được hạ tầng công nghệ số hiện đại, có khả năng tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành và địa phương. Khoảng 70% nghiệp vụ với khách hàng sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, hơn 90% tài khoản thanh toán thực hiện giao dịch điện tử và ít nhất 70% quy trình cho vay được số hóa, tự động hóa.

Đến năm 2045, NHCSXH đặt mục tiêu trở thành một trong 20 ngân hàng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT index). Ngân hàng cũng hướng đến mô hình ngân hàng số toàn diện, cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân hóa, phát triển ngân hàng mở (Open Banking) và đảm bảo tiếp cận tài chính cho mọi đối tượng, đặc biệt là người yếu thế và khu vực nông thôn.

Để đạt được những mục tiêu trên, NHCSXH xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, ngân hàng sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình chuyển đổi.

NHCSXH cũng dự kiến dành tối thiểu 3% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ khai thác các nguồn hỗ trợ từ các quỹ đổi mới sáng tạo, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.

Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, NHCSXH sẽ đẩy mạnh hợp tác, tận dụng nguồn lực tri thức và tài chính từ các quỹ hỗ trợ để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ thông qua đào tạo chuyên sâu. Nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, được xác định là yếu tố then chốt; ngân hàng sẽ xây dựng chính sách thu hút và đào tạo đội ngũ chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Đồng thời, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW, NHCSXH sẽ thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc chuyên trách, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả triển khai, lấy đó làm tiêu chí đánh giá công tác hàng năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục