Nhiều biến chứng khó lường do sởi

17:54' - 21/02/2019
BNEWS Nhiều biến chứng khó lường do sởi như viêm não, viêm phổi, nguy cơ tử vong cao vì bội nhiễm. Đây là thông tin Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cung cấp khi trao đổi với báo chí, ngày 21/2.
Gần 2 tháng qua, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội liên tục tiếp nhận 3 – 5 trường hợp mắc sởi/ngày. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Có tới 90% bệnh nhân mắc sởi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa tiêm vắc xin phòng sởi, hoặc tiêm phòng chưa đủ mũi.

Trong khi đó, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Nhiều biến chứng khó lường do sởi như viêm não, viêm phổi, nguy cơ tử vong cao vì bội nhiễm. Đây là thông tin Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cung cấp khi trao đổi với báo chí, ngày 21/2.

Thông tin từ ngành Y tế cho biết, hiện dịch sởi đang bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam dịch sởi đã lan rộng ra 44 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Giám đốc Nguyễn Văn Kính cho hay, nếu trong cả năm 2018 chỉ ghi nhận 86 trường hơp mắc sởi, thì chỉ trong những ngày đầu năm 2019 đã có hơn 200 ca mắc sởi đến khám và điều trị, chủ yếu ở các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình...

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 3-5 trường hợp bệnh nhân nhi nhập viện trong đó nhiều ca mắc biến chứng viêm phổi.

Phần lớn các ca mắc sởi của bệnh nhân đều do chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ mũi. Điều này cho thấy dịch sởi đang bùng phát rất nhanh, nhiều khả năng đây sẽ là chu kỳ của đại dịch sởi bùng phát 4 năm/lần có thể xảy ra.

Còn tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm thông tin, thời tiết Đông xuân rất thuận lợi cho vi rút sởi phát triển.

Trung bình tại khoa Truyền nhiễm mỗi tháng có 10 trường hợp nhập viện, số trường hợp mắc sởi chỉ những ngày đầu năm 2019 đã gần bằng một nửa số người mắc năm 2014, cảnh báo sẽ có thể dịch sởi xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm/lần.

"Ngoài trẻ em, năm nay tại cơ sở cũng ghi nhận có đến 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu", Trưởng khoa Truyền nhiễm Đỗ Duy Cường cho biết.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, các biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở…

Quan niệm “kiêng nước, kiêng gió” trong chăm sóc trẻ nhiễm sởi của không ít gia đình cũng có thể gây nên những biến chứng nặng như viêm hàm lợi, thối xương hàm, viêm giác mạc, kết mạc, có thể dẫn đến mù, hay tiêu chảy, nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến trụy mạch, huyết áp.

Biến chứng nguy hiểm của sởi là viêm não, trẻ lơ mơ, hôn mê, co giật, nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi cao.

“Thông thường mắc sởi trên nền cơ địa người khỏe mạnh, bệnh sẽ kéo dài, giảm dần mức độ và hết hẳn sau 7 ngày. Tuy nhiên, cần lưu tâm nếu sau 2 -3 ngày có dấu hiệu sốt tăng, đường thở thay đổi như khó thở, đau họng… cần nhanh chóng nhập viện để tránh biến chứng đáng tiếc”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính khuyến cáo.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nhiều người lớn mắc sởi là do họ chưa từng tiêm sởi, chưa đáp ứng miễn dịch hoặc nhiều người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có sởi sẽ dễ mắc sởi.

Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018- 2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.

"Để có thể phòng chống được sởi cho các đối tượng cả trẻ em, người lớn, mọi đối tượng cần tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên. Chúng tôi khuyến cáo người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vắc xin sởi - rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Như vậy, trẻ trong vòng chín tháng đầu sẽ tránh được sởi”- ông Đặng Quang Tấn khuyến cáo.

Tuy nhiên lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng và một số Bệnh viện cũng lo ngại về tình trạng tẩy chay vắc xin của một số người dân hiện nay.

"Nếu tình trạng này kéo dài, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ tiếp tục tấn công, đe doạ đến sức khoẻ và tính mạng người dân", Giám đốc Nguyễn Văn Kính lo lắng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục