Nhiều công trình y tế tại TP. HCM chậm tiến độ ​

19:53' - 14/07/2022
BNEWS Bên cạnh một số công trình đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, vẫn còn nhiều công trình y tế bị chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ khám điều trị bệnh cho người dân.

Thông tin được bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và hoạt động trọng tâm 6 tháng cuối năm ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra chiều 14/7.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trong nửa đầu năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành và đưa vào hoạt động một số công trình y tế quan trọng như: Bệnh viện Truyền máu – Huyết học cơ sở 2, Khu điều trị kỹ thuật cao tim mạch can thiệp – Bệnh viện Nhi đồng 1…

Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình chậm tiến độ so với kế hoạch như: Khoa khám bệnh - khối điều trị ngoại khoa và Trung tâm chuyên sâu sơ sinh - Bệnh viện Nhi đồng 1; Dự án Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt; Dự án xây dựng Khối điều trị nội trú - Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi…

Nguyên nhân tiến độ các công trình này bị chậm, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, là do tình hình biến động giá nên nhiều nhà thầu ngừng thi công bởi "càng thi công càng lỗ".

Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19, nhiều lao động về quê không quay trở lại, đã dẫn đến thiếu hụt lớn nhân công lao động tại các công trình này. Điển hình như dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi có vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng với quy mô 13 tầng nổi, quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường bệnh nhưng khi Sở Y tế kiểm tra tiến độ thi công thì chỉ có 120 công nhân làm việc.

Một nguyên nhân khác khiến các công trình này chậm trễ là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đến ngày 4/7 mới đạt 28%.

Bên cạnh đó, một số dự án phải chờ quyết định gia hạn mới có thể tiếp tục thi công, một số chủ đầu tư chậm triển khai mặc dù đã có trong danh sách đầu tư trung hạn.

Cùng với việc chậm tiến độ các công trình y tế, hiện nay ngành Y tế Thành phố cũng đang gặp khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc và các thiết bị y tế. Một số thuốc quý, thuốc phát sinh khó tìm nguồn cung, một số thuốc thì các công ty không tiếp tục cung ứng do số lượng mua quá ít…

Trong khi chờ thành lập Trung tâm mua sắm tập trung, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh bằng nhiều hình thức và sử dụng có hiệu quả các vật tư, thiết bị y tế được phân bổ từ các bệnh viện dã chiến giải thể.

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề ra các mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2022: Đưa vào hoạt động Trung tâm mua sắm đấu thầu tập trung, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người dân hậu COVID-19, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thí điểm chương trình quản lý chăm sóc sức khỏe người mắc bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế, tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố...

Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương nỗ lực "vượt khó" của toàn thể nhân viên y tế trên địa bàn trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh mối nguy từ dịch COVID-19 vẫn luôn chực chờ thì ngành Y tế không được chủ quan, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập, bùng phát của các biến chủng BA.4, BA.5.

Ngoài dịch COVID-19, ông Dương Anh Đức cũng lưu ý ngành Y tế không được coi thường dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn, không nên quá lo chống dịch này mà quên mất dịch bệnh khác nguy hiểm ngay bên cạnh.

“Dù ngành Y tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng mỗi nhân viên y tế cần nỗ lực và chủ động hơn nữa để vượt qua khó khăn này, thực hiện sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục