Nhiều diện tích thanh long ở Bình Thuận bị ốc sên gây hại

16:02' - 01/12/2017
BNEWS Thời điểm này, thanh long Bình Thuận đang chong đèn cho hoa trái vụ. Tuy nhiên, những trận mưa gần đây làm độ ẩm tăng, tạo điều kiện để ốc sên sinh trưởng mạnh và gây hại nhiều vườn thanh long.
Nhiều diện tích thanh long ở Bình Thuận bị ốc sên gây hại. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện, người trồng thanh long ở Bình Thuận đang hết sức lo lắng bởi mật độ ốc dày đặc và phá hoại nhanh, làm cho năng suất và chất lượng trái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hai, thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc có hơn 1.000 trụ thanh long; trong đó, có 350 trụ đang chong đèn cho hoa trái vụ. Mấy ngày gần đây, gia đình chị phải thức thâu đêm để bắt ốc sên, bởi xịt thuốc và rải bã diệt ốc sên vẫn không hiệu quả. Chị Hai cho biết, ngày nào có mưa là ngày đó hồi hộp. Ốc xuất hiện ở gốc rồi bò lên cành lên trái, núp dưới các bẹ cành nên khó phát hiện và tiêu diệt.

Quá lo lắng nên vợ chồng chị phải ra vườn để bắt ốc, diệt trừ được con nào thì giảm sức phá hoại của con đó. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ đã bắt hơn 3 ký ốc.

Một vụ thanh long chong đèn thường kéo dài gần 3 tháng mà với lượng ốc như thế này thì dù huy động cả gia đình chị cũng bắt không hết. Hiện giờ, ngoài bắt ốc, mỗi ngày chị phải đầu tư khoảng 200.000 đồng để mua cám, thuốc để trộn bã nhử ốc và thuốc xịt.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trình, ở thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc cũng trong hoàn cảnh tương tự. Cứ sau mỗi trận mưa là ốc sên ở đâu xuất hiện dày đặc, trung bình mỗi trụ có từ 10 đến 30 con ốc sên, có trụ 50 con.

Hiện gia đình ông đang ra sức canh bắt ốc vì nếu để ốc tấn công những trái thanh long chín sắp thu hoạch thì coi như vụ thanh long này lỗ nặng.

Theo ông Trình, loài ốc sên này thường gây hại vào ban đêm. Khi bông thanh long mới bắt đầu ra cỡ hạt bắp là lúc ốc ăn mạnh nhất. Khi đến trái non, ốc sẽ ăn quanh trái tạo ra những vết sẹo như nấm đồng tiền. Còn đối với trái chín, ốc ăn tạo ra những lỗ thủng nên trái mất giá trị, bán với giá rất thấp.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, loại ốc sên này xuất hiện khoảng 5 năm nay nhưng năm 2017 mưa nhiều, ẩm độ cao, nhiệt độ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho ốc phát sinh, phát triển với mật độ ngày càng cao, nhất là đối với những vườn thanh long được vệ sinh kém.

Trên thanh long, ốc sên gây hại các bộ phận non, mềm như: cành non, hoa và trái. Đặc biệt đối với những vườn vừa chong điện, ốc ăn bông non gây giảm năng suất, còn khi gây trái thì gây ảnh hường đến mẫu mã trái và tạo điều kiện cho bệnh hại khác tấn công như bệnh thán thư.

Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận khuyến cáo bà con nông dân nên vệ sinh vườn, làm cỏ gốc sạch sẽ, phát quang bờ ranh và các nơi trú ẩn của ốc... đồng thời, có thể sử dụng thuốc dạng bả trừ ốc gốc Metaldehyde Osbuvang 5GR Toxbait 9AB, Yellow - K 12GB... rải tại những nơi ốc hay trú ẩn, vào thời gian buổi chiều mát gần tối.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng biện pháp sinh học để phòng trừ ốc như: nuôi vịt trong vườn thanh long theo mật số 10 con/ha để quản lý ốc…

Toàn tỉnh hiện có hơn 900 ha thanh long bị ốc sên gây hại, riêng trong tháng 10, diện tích thanh long bị ốc gây hại là 666 ha…/.

>>> Giá thanh long tăng mạnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục