Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng

15:56' - 12/12/2023
BNEWS Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam”. Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đã chia sẻ những giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp, góp phần sớm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

*Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi

Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” -  (EE&GG) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica). Dự án là một phần trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Theo chia sẻ từ Bộ Công Thương, được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025, với tổng kinh phí 6,4 triệu USD, Dự án tập trung vào các hoạt động: thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp từ đó tìm kiếm dự án tiềm năng và nguồn tài chính để đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng ở doanh nghiệp công nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh cho một số ngành, lĩnh vực…

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, Dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng để thực hiện kiểm toán và thực hiện đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ dự án này như Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, Công ty CP Thép Việt - Ý, Công ty CP Giấy Việt Trì, Công ty TNHH Sợi Dệt Hương Sen, Công ty Tôn Đông Á…

Cụ thể, tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải là đơn vị thuộc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), thiết bị tiêu thụ nhiên liệu tại đơn vị này là lò hơi, mỗi tổ máy có 2 quạt hút mói lò hơi, mỗi quạt công suất 5.400 kW. Nhờ áp dụng biến tần điều chỉnh lưu lượng gió hút phù hợp với yêu cầu hoạt động của lò hơi, Nhiệt điện Duyên Hải đã có thể tiết kiệm hơn 24 triệu kWh/năm, tương đương hơn 39 tỷ đồng.

Đánh giá của đại diện Koica cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải là rất lớn. Với các giải pháp được đề xuất như lắp biến tần, cung cấp nhiệt bổ sung, khớp nối từ tính cho các quạt gió, lò hơi… sẽ giúp Công ty có thể tiết kiệm hơn 75,7 triệu kWh/năm, tương đương hơn 130 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Thép Việt Ý. Đơn vị này đã thực hiện giải pháp lắp biến tần cho bơm nước hồi thay cho van tay, giảm tốc độ cho bơm; từ đó tiết kiệm hơn 525.000 kWh/năm, tương đương gần 870 triệu đồng.

Ngành thép là ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn. Theo kết quả kiểm toán năng lượng Hàn Quốc, với các giải pháp đề xuất tổng hợp như hiệu chỉnh quá trình cháy lò nung phôi, lắp đèn năng lượng mặt trời, lắp máy biến tần, thu hồi nước ngưng từ hơi xả lò khí hóa than…, Thép Việt Ý có thể tiết kiệm tới gần 19 tỷ đồng/năm. 

*Tiếp tục lộ trình phù hợp

Theo ông Lee Hyung Hwa, Giám đốc quốc gia Văn phòng Koica Vệt Nam, nếu không giảm cường độ tiêu thụ điện và năng lượng thì Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Dù mục tiêu quốc gia và các chính sách về tiết kiệm năng lượng đã đáo ban hành nhưng việc tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam trong các ngành trọng điểm vẫn còn cao, dư địa để thực hiện tiết kiệm là rất lớn. Thời gian tới, Koica sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực; trong đó bao gồm cả dự án này, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiết giảm tiêu thụ năng lượng. 

Các chuyên gia cho rằng, trong tiến trình đạt được nền kinh tế xanh, việc thu hút nguồn lực là vô cùng quan trọng, quyết định khả năng, phương thức, cách thức trong quá trình thực hiện. Vì vậy, cần có sự phối hợp của các cơ quan ở cấp trung  ương và địa phương, mọi thành phần kinh tế, sự hợp tác của các cơ quan nhà nước với các chủ thể trong xã hội và đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, và các định chế tài chính.

Chia sẻ kinh nghiệm từ phía Hàn Quốc, ông Lee Yeon-Sang, Đơn vị ứng phó với biến đổi khí hậu do công nghiệp của Hàn Quốc cho biết, để thực hiện các giải pháp/chuyển đổi sang các thiết bị tiêu tốn ít năng lượng sẽ cần nguồn vốn lớn. Hiện nay ở Hàn Quốc, để hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, có lộ trình giải pháp cho tiết kiệm điện. Chính phủ hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng, có thể như cho vay vốn với lãi suất thấp 2% để lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng, mở rộng trợ cấp nghiên cứu và phát triển cho các dự án liên quan đến hiệu suất năng lượng; giảm gánh nặng về thuế cho các thiết bị tiết kiệm nâng lượng mới được lắp đặt; cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng miễn phí cho các thiết bị của nhà máy. 

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thời gian qua, việc huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực; nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong đầu tư xanh – đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.

Tuy nhiên, dù với đà tăng trưởng mạnh mẽ và những bước tiến đáng ghi nhận, nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn đang trong thời kì sơ khai, và còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, đòi hỏi sự chung tay, góp sức, nỗ lực hơn nữa của toàn bộ bộ máy chính trị, đặc biệt là các địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh.

Để thực hiện tăng trưởng xanh một cách hiệu quả ở cấp địa phương, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có lộ trình phù hợp dựa trên điều kiện thực tiễn cũng như năng lực của từng địa phương; trong đó, khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành hoặc tích hợp các mục tiêu, nội dung triển khai Chiến lược trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cùng với đó, chủ động xây dựng, thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh dựa trên tình hình thực tế của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; Phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động thực hiện, đề xuất các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng xanh, thu hút nguồn lực… 

“Với vai trò của mình, thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương để ban hành Hệ thống phân loại xanh phù hợp thông lệ quốc tế và Việt Nam. Việc ban hành hệ thống phân loại xanh là nhiệm vụ nặng nề và mất nhiều thời gian nhưng là cơ sở để kiến nghị, can thiệp chính sách mang tính hướng đích với các công trình, dự án mang tính tăng trưởng xanh; từ đó đánh giá, tổng hợp. Bộ sẽ tham vấn ý kiến các đơn vị liên quan để làm tốt việc này”, ông Lê Việt Anh cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục