Nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng tại quần thể di tích Chùa Hương

16:03' - 01/05/2024
BNEWS Công tác phòng cháy, chữa cháy tại Chùa Hương được huyện Mỹ Đức (Hà Nội) coi là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, huyện rà soát, xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng chi tiết.

Mấy ngày qua thời tiết tại Hà Nội nắng nóng, nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, danh thắng Chùa Hương tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dù không phải chính hội nhưng khách thập phương vẫn đến chiêm bái mỗi ngày lên tới hàng nghìn lượt người. Từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng do gần như toàn bộ khu vực diễn ra các hoạt động tâm linh đều nằm trong khu vực rừng phòng hộ.

*Nguy cơ cháy rừng

Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn (Chùa Hương) có 21 điểm di tích, nằm trải dài trong diện tích rừng rất lớn, với gần 5.000 ha. Số lượng di tích lớn, nằm trong rừng nên chỉ cần một sơ suất nhỏ của du khách như đốt vàng mã, vứt tàn thuốc..., không đúng nơi quy định cũng có thể gây cháy rừng. Do đặc thù như vậy nên công tác phòng cháy, chữa cháy được quan tâm thường xuyên, liên tục trong suốt các tháng trong năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, công tác phòng cháy, chữa cháy tại Chùa Hương được huyện đặc biệt quan tâm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, huyện rà soát, xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng chi tiết. Qua đó, phân công nhiệm vụ tới từng thành viên trong Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Huyện cũng chỉ đạo các xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm số 9 (đơn vị phụ trách địa bàn huyện Mỹ Đức) thành lập tổ xung kích, thường xuyên tuần tra, kiểm soát khu vực lễ hội và đặc biệt là những tháng mùa hè nắng nóng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời cháy rừng, ảnh hưởng đến khu vực tâm linh, thờ tự.

UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường tuyên truyền cho nhân dân chấp hành các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong khu vực di tích. Cụ thể, từ khu vực bến Đục, dọc theo suối Yến và xung quanh khu di tích đã được treo biển báo bảo vệ rừng, băng rôn tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời nhắc nhở trên hệ thống truyền thanh để du khách không đốt hương, vàng mã, hóa sớ khu vực gần rừng...

“Hiện đang trong cao điểm của mùa nắng nóng nên các khu rừng ở Hà Nội đang ở mức cảnh báo cháy rừng cao. Để giảm nguy cơ cháy, mỗi người dân, du khách khi tham dự lễ hội hay vào rừng du lịch trải nghiệm cần nâng cao ý thức, chung tay cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng”, ông Lê Văn Trang lưu ý.

Do đặc thù du khách đến thăm quan quanh năm nên các hàng quán, cửa hàng bán các đồ lễ, vàng mã, hàng ăn uống, đồ lưu niệm cũng theo đó hoạt động liên tục. Để ngăn ngừa, huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn phối hợp với Công an huyện triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, hằng năm khi vào mùa lễ hội, mùa nắng nóng, huyện tổ chức phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy và tập huấn cho nhân dân các xã có rừng; đặc biệt 318 hộ kinh doanh trong khu vực Chùa Hương ký cam kết trong công tác phòng, chống cháy nổ. Đối với 60 hộ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn phải có những điều kiện đáp ứng phòng cháy, chữa cháy mới cho hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, Ban quản lý đã trang bị, yêu cầu các hộ kinh doanh trang bị 1.000 bình bọt phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn xã Hương Sơn đều có máy chữa cháy công suất đảm bảo hỗ trợ chữa cháy rừng, khi có tình huống xấu xảy ra.

Cùng với việc nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh, đầu tư trang thiết bị chữa cháy cho những đơn vị liên quan, đại diện Công an huyện Mỹ Đức thông tin thêm, quản lý các chốt trực đảm bảo an ninh tại khu vực Chùa Hương cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nhắc nhở chủ các gian hàng thực hiện nghiêm túc giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy như đã cam kết; kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm phòng cháy, chữa cháy. Công an huyện cũng quán triệt các cửa hàng kinh doanh quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, tự trang bị cho mình trang, thiết bị chữa cháy tại chỗ, đảm bảo theo đúng tinh thần “4 tại chỗ”.

Nhờ việc tuyên truyền nhắc nhở được triển khai một cách thường xuyên nên các chủ hộ kinh doanh nhận thức tốt hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy. Ông Nguyễn Văn Phúc, ki-ốt số 5, thôn Yên Vũ, xã Hương Sơn cho biết: "Chúng tôi xác định việc làm ăn lâu dài nên phải tuân thủ quy định của nhà nước, nhất là các biện pháp phòng cháy. Gia đình đã tự đầu tư 2 bình bọt chữa cháy, đặt ở vị trí dễ nhìn, dễ thao tác, để khi phát hiện ra hỏa hoạn có thể xử lý ngay từ giờ đầu khi lửa phát sinh". Ông Phúc cho rằng, việc phòng cháy, chữa cháy không chỉ bảo vệ tính mạng của mình mà còn giúp an toàn cho cả cộng đồng, tạo cảm giác an tâm cho khách thập phương.

 

*Ứng trực bảo vệ rừng 24/24 giờ

Qua phân tích của cơ quan chức năng, phần lớn nguyên nhân hỏa hoạn xảy ra do yếu tố chủ quan trong quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện. Nắm được các nguyên nhân gây ra cháy, Công ty Điện lực huyện Mỹ Đức thường xuyên cắt cử cán bộ phối hợp với lực lượng chức năng tại Chùa Hương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện một cách hợp lý, an toàn.

Tại các trạm biến áp hạ thế cấp điện cho các di tích thuộc Chùa Hương, Điện lực huyện xây dựng “thời gian biểu” để kiểm tra nhiệt, các mối đấu nối cũng như thay thế thiết bị cũ nhằm đảm bảo điện an toàn, liên tục, hạn chế thấp nhất sự cố phát sinh gây cháy. Ghi nhận tại nhiều điểm thờ tự tâm linh khu vực Chùa Hương, thiết bị điện cơ bản được lắp đặt khoa học, hợp lý, thiết bị dây điện đi ngầm trong tường hoặc đất cũng giúp hạn chế phát sinh nguồn nhiệt, lửa gây cháy.

Công ty Điện lực huyện Mỹ Đức kiểm tra nguồn nhiệt để hạn chế quá tải, giảm nguy cơ chập cháy điện tại trạm biến áp Đền Trình (Chùa Hương). Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Liên quan đến công tác phòng và chống cháy rừng, ngày 26/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng.

Sở phối hợp với các huyện, thị xã có rừng, lực lượng công an trên địa bàn rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; chủ động, kịp thời ứng phó khi xảy ra cháy rừng; bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ"…

Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội tăng cường kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận giao khoán bảo vệ rừng; hướng dẫn các chủ nhận khoán bảo về rừng thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng theo đúng quy định pháp luật và nội dung hợp đồng nhận khoán đã ký kết…

Công ty Điện lực huyện Mỹ Đức hướng dẫn hộ kinh doanh tại Chùa Hương sử dụng điện an toàn. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN
Đối với Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các ngành liên quan chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ động phương án chữa cháy rừng, cứu nạn, cứu hộ khi cháy rừng và sạt lở đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố.

Những tháng đầu năm 2024, cháy rừng ở Hà Nội tuy có giảm về số vụ và diện tích nhưng thời tiết diễn biến bất thường, do vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Việc các ngành, địa phương có rừng ở Hà Nội đề ra nhiều giải pháp chủ động, sẵn sàng tham gia phòng chống, chữa cháy rừng theo đúng phương châm “4 tại chỗ” sẽ góp phần hạn chế và giảm thiệt hại từ cháy rừng./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục