BNEWS
Cùng với sự ra đời của những thiết bị công nghệ mới với nhiều tính năng đặc biệt, số phận của những vật dụng nay được coi là cũ và bị đào thải sẽ ra sao?
Thị trường công nghệ thế giới đang phát triển nhanh như vũ bão. Giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang chuẩn bị đổ bộ mạnh mẽ, nhiều người tin rằng những đột phá về công nghệ sẽ góp phần mang lại thay đổi lớn lao cho làng điện tử thế giới nói riêng, cũng như diện mạo thế giới nói chung trong tương lai.
Tuy nhiên, có một góc khuất mà không phải ai, đặc biệt là các nhà sản xuất công nghệ, cũng muốn nhắc đến, đó là bên cạnh sự ra đời của những thiết bị công nghệ mới tinh với nhiều tính năng đặc biệt, thì số phận của những vật dụng nay được coi là cũ và bị đào thải sẽ ra sao? Lấy hãng sản xuất đồ điện tử Samsung làm ví dụ, vụ bê bối cháy nổ điện thoại Galaxy Note 7 hồi năm 2016 đã khiến “ông lớn” đến từ Hàn Quốc này phải “ôm” đến 4,3 triệu chiếc điện thoại chờ xử lý. Vấn đề đặt ra là cho đến bây giờ, Samsung vẫn đang loay hoay với bài toán làm thế nào để đưa ra một phương án xử lý có trách nhiệm, vừa đảm bảo tính an toàn và thân thiện với môi trường.
Thực trạng xử lý rác thải công nghệTrang web chuyên theo dõi số lượng rác thải điện tử trên toàn cầu The World Count cho biết từ đầu năm 2017 đến nay toàn thế giới đã thải ra khoảng 6,4 triệu tấn đồ dùng điện tử và theo những thông tin đã được ghi nhận từ trước đó thì chỉ rất ít trong số này được tái chế đúng cách. Số liệu từ Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy trong năm 2014 có chưa đến 1/6 lượng rác thải điện tử từ khắp nơi trên thế giới được giải quyết một cách đúng đắn.
Thậm chí ở những nước phát triển có cơ sở hạ tầng tiên tiến, tỷ lệ tái chế đồ điện tử vẫn còn rất thấp. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), nước Mỹ chỉ tái sử dụng khoảng 29% trong tổng số 3,4 triệu tấn rác thải điện tử được sản xuất vào năm 2012, trong khi số còn lại được gửi tới những bãi chôn lấp hoặc mang đi đốt.
Ông Jim Puckett, Giám đốc điều hành và là người sáng lập ra tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Hành động Basel (BAN), đã nói rằng: "Tỷ lệ tái chế đối với các thiết bị điện tử là vô cùng thấp". Ông Puckett ước tính rằng nhiều nhất chỉ có 5% số kim loại được sử dụng trong các thiết bị điện tử là được tái chế.
Cũng theo Giám đốc Puckett, một phần trong số các thiết bị được bàn giao để chuẩn bị cho quá trình tái chế sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển như thủ đô Accra của Ghana hay khu vực phía Nam Trung Quốc, những địa điểm có cơ sở hạ tầng và quy trình tái chế kém hiệu quả nhất. Những nơi này thường xuyên diễn ra tình trạng chất thải điện tử được xử lý trong một môi trường không được kiểm soát, hay còn gọi là bất hợp pháp. Theo LHQ, có đến 90% số rác thải điện tử trên toàn cầu đang được xử lý theo cách này.
Trong một thử nghiệm gần đây, BAN đã đặt máy theo dõi GPS trên 205 máy in và màn hình máy tính cũ để xem chuyện gì đã xảy ra với chúng. Kết quả là 40% số những thiết bị được bàn giao để tái chế đã được chuyển ra nước ngoài, điểm đến phần lớn là châu Á. Thậm chí, tất cả 37 thiết bị trong số đó được dẫn tới Hong Kong đều được xử lý và tháo gỡ bằng tay, với những công cụ không đảm bảo.
Hướng đi mớiViệc xử lý chất thải điện tử không kiểm soát mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất trồng và ô nhiễm nguồn nước. Chưa dừng lại ở đó, những thiệt hại về kinh tế liên quan đến sự lãng phí các vật liệu quý như vàng, đồng hay bạch kim cũng là vấn đề được các nhà nghiên cứu lưu tâm đến.
Theo ước tính của trung tâm nghiên cứu về năng lượng, môi trường và tính bền vững của trường đại học Sheffield, doanh thu tiềm năng từ việc tái chế chất thải điện tử tại thị trường châu Âu trong năm 2014 đã có thể lên đến 2 tỷ euro.
Chính vì vậy mà ngày càng nhiều các “đại gia” công nghệ như Microsoft hay Dell đã đi tìm những hướng giải quyết khác, như phối hợp với tổ chức thuộc bên thứ ba như Goodwill, một thương hiệu cửa hàng bán đồ cũ giá rẻ nổi tiếng và lớn nhất nước Mỹ.
Theo đó, những thiết bị điện tử không còn sử dụng sẽ được gửi tới chương trình Dell Reconnect (chương trình kết hợp giữa Dell và Goodwill để tái chế và tiêu hủy những thiết bị công nghệ cũ). Tính đến năm 2016, chương trình Dell Reconnect đã tái chế các thiết bị qua sử dụng và mang về giá trị lên tới hơn 427 triệu bảng Anh, qua đó tiến gần hơn đến mục tiêu của Dell là khôi phục lại 2 tỷ bảng Anh từ những thiết bị này đến năm 2020.
Năm ngoái, hãng điện tử của Mỹ Apple cũng đã cho ra đời một loại robot tái chế có tên gọi là Liam. Con robot này có khả năng tách các linh kiện trên những chiếc iPhone hỏng và phân loại chúng với nhau để giúp Apple đem các linh kiện này đi tái chế để phục vụ sản xuất iPhone mới. Liam trên thực tế là một bộ gồm 29 robot khác nhau được tổ chức theo băng chuyền với 21 trạm. Cứ mỗi 11 giây, một chiếc iPhone sẽ bị phá hủy thành 8 mảnh khác nhau.
Theo tính toán của Apple, mỗi con robot Liam có thể tháo rời 1,2 triệu chiếc iPhone 6 mỗi năm, và hiện hãng đang có 2 hệ thống được đưa vào vận hành - một ở California (Mỹ) và một ở Hà Lan. Khi quá trình hoạt động của Liam kết thúc, Apple sẽ nhận được một chiếc hộp với chỉ một thành phần duy nhất đó là ốc vít, hoặc pin.
Tuy nhiên, bất chấp sáng kiến của các hãng công nghệ, Giám đốc Puckett vẫn tin rằng những thay đổi về mặt hệ thống là cần thiết. Theo ông, khi xử lý số lượng lớn các thiết bị điện tử, sự tiến bộ sẽ chỉ đạt được khi các ưu đãi đặt ra có dựa trên yếu tố thị trường. Ví dụ, một hệ thống vận hành theo hướng cho thuê các thiết bị điện tử (chứ không phải mua và bán) sẽ khuyến khích các công ty sản xuất ra những sản phẩm có tuổi đời càng cao càng tốt.