Những câu hỏi/đáp cần lưu ý trong phòng chống dịch COVID-19

11:18' - 28/03/2020
BNEWS Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Dưới đây là các câu hỏi/đáp cần lưu ý trong thực hiện phòng, chống dịch.

Hỏi: Tại sao lại thực hiện dừng các hoạt động, hội họp, tụ tập đông người trong 2 tuần tới?

Đáp: Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 26/3, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt.

Theo dự báo, Việt Nam có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ).

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống…

Hỏi: Những điều gì cần lưu ý từ ngày 28/3-15/4?

Đáp: Cần lưu ý những thông tin sau:

- Ngừng hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng

- Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện

- Thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng

- Dừng các nghi lễ tôn giáo hoạt động có tập trung trên 20 người trở lên

- Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng

- Tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu.

- Người dân hạn chế di chuyển nhất là từ tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác.

 

Hỏi: Không đeo khẩu trang ra đường có bị phạt?

Đáp: Hành vi không đeo khẩu trang vi phạm điểm a khoản 1, điều 11 Nghị định 176/2013 của Chính phủ về việc không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Cụ thể, tối 27-3, lãnh đạo UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của phường đã xử phạt hành chính đối với chị Đ.T.T. (trú tại phố Phủ Doãn) số tiền 200.000 đồng về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tại Tp Hồ Chí Minh, chiều ngày 27/3, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo đến lãnh đạo các sở ngành và chủ tịch UBND quận, huyện về việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.

Hỏi: Nên làm gì nếu có liên hệ gần gũi với người nhiễm COVID-19?

Đáp: Thông báo cho các cơ quan y tế công cộng trong khu vực của bạn, những người sẽ cung cấp hướng dẫn về các bước tiếp theo cần thực hiện. Nếu bạn phát triển bất kỳ triệu chứng nào, điều quan trọng là bạn gọi cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn để được tư vấn, đề cập rằng bạn đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.

Hỏi: Cách ly tại nhà cần thực hiện thế nào?

Đáp: Nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) Bộ Y tế  đã ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Đối với người được cách ly

a) Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.

b) Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

c) Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.

d) Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

đ) Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

e) Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

g) Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.

h) Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

i) Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

Đối với thành viên trong hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly

a) Hàng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.

b) Hàng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

c) Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.

d) Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi người được cách ly có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

đ) Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có yêu cầu.

g) Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.

Hỏi: Nếu tôi đã tiêm vắc-xin cúm trong năm nay thì tôi có được bảo vệ chống lại COVID-19 không?

Đáp: Cúm và SARS-CoV-2 là hai loại virus rất khác nhau và vắc-xin cúm theo mùa sẽ không bảo vệ khỏi bệnh do SARS-CoV-2 gây ra.

Tuy nhiên, vì mùa cúm ở châu Âu vẫn đang diễn ra, vắc-xin cúm là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại cúm theo mùa và không quá muộn để tiêm vắc-xin.

Hỏi: Nhận thư hoặc bưu kiện từ các vùng có dịch có an toàn không?

Đáp: Có. Nhận thư hoặc bưu kiện từ các vùng có dịch là việc làm an toàn. Những người nhận bưu kiện không có nguy cơ lây nhiễm virus Corona.

Các phân tích trước đây cho thấy, virus Corona không tồn tại lâu trên các đồ vật như thư hoặc bưu kiện.

Hỏi: Uống rượu bia có bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm virus Corona mới không?

Đáp: Không. Đồ uống có cồn không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm nCoV. Bạn nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Những người không uống được rượu bia không nên tập uống để ngăn ngừa nCoV vì biện pháp này không có tác dụng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục