Những điều có thể bạn chưa biết về cà phê Buôn Ma Thuột

15:04' - 05/03/2017
BNEWS Cây cà phê đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng về quy mô và danh tiếng, không nơi nào ở Việt Nam có cà phê nổi tiếng và gắn với một địa danh mang nhiều huyền thoại như Buôn Ma Thuột.
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một lễ hội lớn của khu vực Tây Nguyên. Được tổ chức định kỳ hai năm một lần bắt đầu từ năm 2005, Lễ hội nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến 13-3 cùng Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ tư.

*Tiếp tục khẳng định giá trị cà phê Buôn Ma Thuột

Cây cà phê đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng về quy mô và danh tiếng, không nơi nào ở Việt Nam có cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước, đồng thời gắn với một vùng địa danh mang nhiều huyền thoại như Buôn Ma Thuột.

Ngược dòng thời gian, ngay từ khi thăm dò để chuẩn bị xâm chiếm Tây Nguyên, các nhà thám hiểm và truyền giáo Pháp đã sớm nhận ra vùng đất này không chỉ có vị trí địa lý chiến lược mà còn có những tài nguyên hết sức quý giá có thể khai thác phục vụ chính quốc, trước hết là đất và rừng. Vì vậy, một số đồn điền đã được lập ra.

Tuy nhiên, do những điều kiện cụ thể (thiếu phương tiện và nhân công) nên ở Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ chưa hình thành những đồn điền lớn, chủ yếu là lập một số nông trại quy mô vài chục mẫu để trồng thử nghiệm cây công nghiệp; trong đó trẩu và cà phê là những loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại Buôn Ma Thuột, trước thời điểm toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk vào năm 1904.

Nhưng cũng phải đến những năm 1912-1914, cây cà phê mới thực sự ghi dấu ấn tại Buôn Ma Thuột. Sản phẩm cà phê thu được thơm đặc trưng và thể chất đậm đà hơn hẳn cà phê bờ biển ngà vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu. Vì thế, nhiều nhà tư bản và chủ ngân hàng của Pháp quyết định đầu tư mở đồn điền trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột.

Đến năm 1959 đã có 49 đồn điền trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột với tổng diện tích trên 5.200 ha.

Đến năm 1975, tổng diện tích cà phê ở cao nguyên Buôn Ma Thuột đã tăng lên 8.600ha, cho sản lượng hàng năm trên 11.000 tấn, hầu hết là cà phê Robusta. Tuy xuất khẩu chưa nhiều, nhưng thông qua con đường du lịch, cà phê Buôn Ma Thuột đã đến được nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều người thực sự ngưỡng mộ bởi chất lượng và hương vị thơm ngon đặc biệt.

Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của nhà nước, tỉnh Đắk Lắk chủ trương đầu tư trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Păc, Cư M'gar, Ea H'leo, Đăk Mil...

Đến nay, Đắk Lắk có trên 204.390 ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên.

Với bề dày về truyền thống và kinh nghiệm tích lũy hơn 70 năm của người dân trồng cà phê, cà phê Buôn Ma Thuột đã hội đủ các yếu tố bền vững và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong nền sản xuất hàng hoá của tỉnh Đắk Lắk (giá trị sản phẩm cà phê hàng năm chiếm 35% GDP và 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).

Trong đó, sản phẩm cà phê Robusta của Buôn Ma Thuột đã có mặt ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của tỉnh Đắk Lắk nói chung, vùng địa danh Buôn Ma Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

* Cơ hội cho thu hút đầu tư

Chẳng biết từ bao giờ, cà phê không chỉ là sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên này. Nét văn hóa ấy đã được Chính phủ công nhận mang tầm vóc quốc gia thông qua Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2005.

Qua 5 kỳ tổ chức đã cho thấy Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang ngày càng tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bởi khi đến với lễ hội không chỉ đến với nơi được xem là thủ phủ cà phê của cả nước, mà Đắk Lắk còn có nhiều cảnh sắc và mang trong mình những giá trị văn hóa không nơi nào có được. Và trong xu thế du lịch kết hợp với tìm kiếm cơ hội đầu tư như hiện nay, lễ hội lại càng tạo thêm sức hút đối với cả du khách lẫn nhà đầu tư.

Theo Ban tổ chức lễ hội, điểm mới của lễ hội lần này thể hiện ở tên gọi, bảo đảm sự hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc, liên kết phát triển với 10 chương trình xoay quanh tiêu điểm này, từ thương mại, văn hóa cho đến đầu tư để góp phần từng bước tạo đà phát triển cho Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Các chương trình chính trong lễ hội là: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà-phê trưng bày hình ảnh những vườn cà-phê, những sản phẩm cà-phê do người nông dân làm ra; Lễ hội đường phố rực rỡ sắc màu với những tiết mục nghệ thuật dân gian dân tộc; Chung kết hội thi Nhà nông đua tài với khoảng 2.000 nông dân từ nhiều tỉnh, thành phố tham gia; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; Công bố các chương trình du lịch “Hành trình di sản”, các tua du lịch gắn cà-phê với các giá trị văn hóa cồng chiêng; Khu phố ẩm thực Tây Nguyên; Thưởng thức cà-phê miễn phí tại các tuyến phố… Tất cả đều nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch trong đó thương hiệu cà-phê có giá trị đặc biệt.

Điểm nhấn của lễ hội là Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Trong đó có đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên và tái hiện không gian trình diễn của hơn 400 diễn viên sẽ diễn ra tại nhiều điểm của thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm và trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”…

Các hoạt động trong lễ hội và liên hoan có vai trò cổ vũ và gắn kết chặt chẽ với Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ tư. Hội nghị đã trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và quảng bá du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, thực hiện an sinh xã hội, cũng như góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục