Những lưu ý trong điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào Đại học 2019

08:55' - 18/07/2019
BNEWS Từ ngày 22 - 31/7, các thí sinh trong cả nước sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học năm 2019 theo phương thức sử dụng kết quả thi.
Trong ảnh: Thí sinh rời khỏi phòng thi sau khi hoàn thành hai môn thi cuối tại điểm thi THPT Việt Đức. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Đây chính là cơ hội để các em tính toán, cân nhắc, đưa ra quyết định chính xác nhất về nguyện vọng học tập cho chặng đường tiếp theo.

* Hướng nghiệp trước, hướng trường sau

Phó Giáo sư  Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nêu “chiến lược” điều chỉnh nguyện vọng cho thí sinh để có thể tăng cơ hội trúng tuyển vào học ở ngành mà các em yêu thích như sau:

Nên đăng ký lần lượt nguyện vọng vào cùng một ngành của một trường mà các em dự định nhưng ở các hệ,  hình thức đào tạo khác nhau theo thứ tự là: Chính quy đại trà, chính quy chất lượng cao tiếng Việt, chính quy chất lượng cao tiếng Anh, hợp tác đào tạo quốc tế…

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh: Khi cân nhắc để điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã có điểm thi, các thí sinh thực hiện theo phương châm “hướng nghiệp trước, hướng trường sau”.

Tức là, mỗi thí sinh nên xác định năng lực, tố chất, sự yêu thích và số điểm thi mình đã đạt được để chọn ngành học phù hợp theo hướng bám sát năng lực sở trường, “né” sở đoản.

Mỗi thí sinh và cả người thân trong gia đình các em khi tư vấn, nhắc nhở các em về việc chọn nguyện vọng xét tuyển cần lưu ý tìm hiểu kỹ về hệ đào tạo, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, nơi học…

Trong kỳ tuyển sinh năm 2019, các trường đại học tuyển sinh các ngành học theo rất nhiều hình thức đào tạo như: Chính quy đại trà, chất lượng cao, hợp tác quốc tế…

Do đó, dù các em có xác định đúng và trúng tuyển vào ngành học mà mình yêu thích nhưng nếu sai về hình thức đào tạo, quá trình học các em vẫn dễ gặp phải những khó khăn, trở ngại nhất định bởi mỗi hình thức đào tạo có những yêu cầu khác nhau về mức đóng học phí, khả năng ngoại ngữ...

Cùng chung quan điểm đó, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Chiến, Phó trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Bình Dương chia sẻ: Mỗi thí sinh khi lựa chọn nguyện vọng hãy căn cứ năng khiếu, sở trường, niềm yêu thích của mình và tìm hiểu kỹ về ngành nghề mà mình dự định đăng ký xét tuyển; tìm hiểu chuẩn “đầu ra” của ngành nghề đó, hình dung mình có thể làm gì sau khi ra trường.

Phụ huynh có thể định hướng cho con em mình dựa trên sự yêu thích về ngành nghề trong tương lai của các em, các thông tin được cung cấp từ nhà trường và từ số điểm thi mà các em đã đạt được.

* Cân nhắc để có quyết định chính xác nhất

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Thảo, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí  Minh, có trường hợp sau một thời gian học tại trường mà mình đã trúng tuyển, sinh viên mới nhận ra khi đăng ký nguyện vọng họ đã quá cảm tính, chạy theo số đông, theo tâm lý ngành “hot” trong xã hội nhưng không thực sự phù hợp với mình.

Thí sinh tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận 3) trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Đây chính là nguyên nhân khiến một số sinh viên đã hối hận, chán nản sau khi nhập học; thậm chí có trường hợp sau đó đã bỏ học, chờ thi lại vào năm sau để lấy kết quả xét tuyển vào trường khác, ngành khác phù hợp hơn. Vì vậy, khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh không chỉ tính toán, sắp xếp thứ tự nguyện vọng dựa trên mức điểm mình đạt được ở tổ hợp dự định xét tuyển mà còn phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ về ngành nghề, trường lớp, môi trường học tập xem có phù hợp hay không.

Việc các bậc phụ huynh tham gia vào quá trình chọn ngành, chọn trường của con em mình là điều cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh chỉ nên dừng lại ở mức độ tư vấn chứ đừng áp đặt.

Chính vì sự áp đặt của các bậc phụ huynh mà một số thí sinh đã có những quyết định điều chỉnh nguyện vọng vào ngành học mà các em không thực sự hứng thú, dẫn đến quá trình học cũng như ra làm việc sau này rất khó khăn.

Liên quan đến việc cân nhắc, điều chỉnh nguyện vọng vào đại học, cao đẳng của các thí sinh, một chuyên gia giáo dục cho rằng, khi đăng ký điều chỉnh nguyện vọng, có em chỉ “bó hẹp”, dừng lại ở việc tập trung chọn lựa, đăng ký các nguyện vọng vào những trường đại học lớn, có tên tuổi…

Trong khi đó, mỗi thí sinh tùy theo mức điểm thi, ngành nghề dự định và hoàn cảnh gia đình hoàn toàn có thể chọn đăng ký vào rất nhiều ngành học mình mong muốn ở nhiều trường khác nhau, có thể là trường ở gần nơi cư  trú, có mức học phí phù hợp, có chính sách học bổng đa dạng, có cơ hội việc làm thuận lợi…

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, các thí sinh rất dễ dàng, thuận lợi để tìm hiểu về các ngành, hệ tuyển sinh, môi trường học tập của rất nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp khác nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục