Những phản ứng hiếm gặp sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cần đặc biệt lưu ý

20:59' - 21/05/2021
BNEWS Để tránh bị phản ứng nặng, sốc phản vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19, các bác sĩ khuyến cáo, người được tiêm nên phối hợp với nhân viên tiêm chủng trong việc sàng lọc tiêm chủng.

Tính đến 16 giờ ngày 20/5/2021, tổng cộng Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với 1.021.085 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.821 người.

Để tránh bị phản ứng nặng, sốc phản vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19, các bác sĩ khuyến cáo, người được tiêm nên phối hợp với nhân viên tiêm chủng trong việc sàng lọc tiêm chủng.

Sau tiêm vaccine phòng COVID-19, sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm… là các biểu hiện thường gặp và cũng là những phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vaccine nói chung và vaccine phòng COVID-19 nói riêng.

Đây là chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam – một trong những chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, trước những băn khoăn của người dân về vaccine phòng COVID-19.

Những phản ứng hiếm gặp cần biết

Theo hướng dẫn theo dõi sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, sốt, mệt mỏi, dau dầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn... là một số phản ứng thông thường sau khi tiêm phòng, cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, có thể xuất hiện trong vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm phòng COVID-19 mà người dân cần lưu ý:

- Ở miệng: Tê quanh môi, và/hoặc lưỡi...

- Ở da: Phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da...

- Ở họng: Ngứa, căn cứng, tắc nghẹn, khản đặc...

- Đường tiêu hóa: Nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng...

- Đường hô hấp: Thở dốc, khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho...

- Toàn thân: Mạch yếu, chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, tay chân co quắp...

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu thông thường có thể diễn biến nặng lên như: sốt cao từ 39 độ C, sưng, đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp, kẹt huyết áp.

Làm gì khi có dấu hiệu bất thường?

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, vaccine cũng giống các loại thuốc khác, đều có thể dẫn tới các phản ứng không mong muốn khi sử dụng, thậm chí ngay cả thực phẩm cũng có thể bị phản ứng phụ gây nên các dị ứng. Dị ứng, phản ứng phụ xảy ra khi đưa các chất bên ngoài vào cơ thể nhưng cơ thể không dung nạp được. Và vaccine AstraZeneca cũng không ngoại lệ.

Để tránh vấn đề bị phản ứng nặng, sốc phản vệ sau tiêm vaccine, các bác sĩ khuyến cáo, người được tiêm nên phối hợp với nhân viên tiêm chủng trong việc sàng lọc tiêm chủng, giảm thiểu ít nhất khả năng sẽ có phản ứng phản vệ sau tiêm. Khai báo trung thực các bệnh nền mình đang mắc phải, các loại thuốc đang sử dụng, các loại dị ứng có thể xảy ra…

Tuy nhiên, đôi khi dù sàng lọc kỹ nhưng cũng có trường hợp có thể xảy ra phản ứng nặng đối với người không có cơ địa dị ứng hay mắc bệnh lý nền, đó là lý do phải ở lại điểm tiêm chủng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để theo dõi.

Hoặc có những trường hợp đặc biệt, phản ứng phản vệ xảy ra chậm hơn (2-3 giờ sau tiêm, thậm chí 1-2 ngày sau), do đó trong vòng 3 ngày cần tự theo dõi các phản ứng của cơ thể và đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị.

Người dân sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 được khuyến cáo khi về nhà, nơi làm việc, tiếp tục chủ động theo dõi sức khỏe bản thân 3 tuần sau tiêm.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Từ ngày 8/3/2021, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca chính thức được tiêm chủng tại Việt Nam, với 3 địa phương đầu tiên triển khai là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Dương.

Tính đến 16 giờ ngày 16/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với 979.238 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 22.561 người.

Trong quá trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Tỷ lệ này thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.

Vaccine là thành tựu của lịch sử y học, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, kiểm soát nhờ vaccine như bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván… Tuy nhiên, vaccine không phải là tất cả, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế./.

>>>Thêm gần 1,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của COVAX về Việt Nam

(Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục