Những thương vụ sáp nhập đình đám thế giới (Phần 2)

05:30' - 13/02/2019
BNEWS “Cơn gió ngược” mà hoạt động M&A phải đối mặt có thể là khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, các công ty không còn sẵn sàng rót một lượng vốn lớn cho việc mở rộng kinh doanh.
Robot Pepper của hãng Softbank Robotics tại Triển lãm CES ở Las Vegas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán xu hướng M&A có thể chậm lại vào năm 2019. Trong đó, những khó khăn mà các công ty phải tìm cách giải quyết có thể kể đến như tăng lương cho nhân viên, thiếu lao động, thuế quan thay đổi và lãi suất tăng.

Tuy nhiên, chuyên gia Bob Saada của công ty dịch vụ tài chính PwC có cái nhìn lạc quan hơn. Ông cho rằng xu hướng M&A nằm ngoài ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng kinh tế bởi nó chủ yếu được củng cố bởi nhu cầu làm tăng quy mô của doanh nghiệp.

Mặt khác, hoạt động M&A cũng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi sự hội tụ ngày càng cao của nhiều ngành công nghiệp với các công nghệ khác nhau. Ngày nay, các doanh nghiệp thường lựa chọn việc thâu tóm, thay vì phát triển các công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Điểm chung của hầu hết các thương vụ lớn nhất trong năm 2018 là công ty nhắm mục tiêu M&A vào các doanh nghiệp cùng lĩnh vực nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trên thị trường hoặc tìm kiếm sự hợp tác trong hoạt động kinh doanh. Các vụ M&A đình đám nhất xuất hiện trên khắp các lĩnh vực từ hàng tiêu dùng, y tế, truyền thông, dược phẩm, viễn thông và nhiều lĩnh vực khác.

Xu hướng này không phải là mới, nhưng điều đáng lưu ý là nó đang mở rộng sang các công ty vừa và nhỏ, khi mà "những người chơi" ít chiếm ưu thế này đang dần tạo dựng chỗ đứng vững chắc hơn giữa những “người khổng lồ”.

Trong một số lĩnh vực nhất định, doanh nghiệp không nhất thiết phải là một công ty trị giá hàng tỷ USD mới có thể tiến hành M&A để tăng thị phần. Ví như các công ty an ninh mạng đang có xu hướng hợp nhất thông qua các thỏa thuận giá trị cỡ trung bình (dưới 1 tỷ USD) để phát triển quy mô.

Các thỏa thuận M&A cỡ trung bình cũng là phương thức mà hầu hết các công ty phi công nghệ lựa chọn khi họ tăng cường đầu tư vào công nghệ trong nỗ lực định hình chiến lược tăng trưởng của mình.

Theo báo cáo phân tích dữ liệu của PwC, các công ty công nghệ là mục tiêu lớn nhất trong các thương vụ M&A trong bối cảnh doanh nghiệp phải ứng phó với những rủi ro của thời đại kỹ thuật số.

Khi mà cả thế giới đều đang chuyển động để thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0), người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) và công nghệ chuỗi khối (blockchain). Vì thế nhu cầu đầu tư và sở hữu công nghệ mới sẽ là động lực tăng tốc hoạt động M&A trong thời gian tới./.

        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục