Những vụ kiện tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nổi bật nhất của Việt Nam

16:43' - 27/02/2023
BNEWS Dưới đây là tổng hợp vụ án xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi tiếng tại Việt Nam xảy ra trong những năm qua.

Tranh chấp nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ

Cà phê Trung Nguyên là một nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam được thành lập năm 1996. Trong quá trình mở rộng ra thị trường quốc tế, Trung Nguyên cũng gặp phải sự tranh chấp về nhãn hiệu.

Tháng 7/2000, Trung Nguyên và một doanh nghiệp Mỹ là Rice Field Corp tiếp xúc lần đầu và đàm phán để nhập khẩu sản phẩm cà phê vào Mỹ.

Sau một thời gian xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp mới tiến hành đăng ký bảo hộ nhưng tháng 11/2000 nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên đã được Rice Field Corp nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ với cơ quan quản lý Mỹ.

Phía Trung Nguyên sau đó đã khẩn trương nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với sản phẩm của mình và yêu cầu tuyên vô hiệu với hồ sơ của đối tác.

Tranh chấp về bản quyền tác giả đối với truyện tranh “Thần đồng đất Việt”

Thần đồng đất Việt là bộ truyện tranh nhiều tập nhất của Việt Nam, tạo được dấu ấn lớn trong làng truyện tranh Việt vì nội dung mới mẻ, sáng tạo, thuần Việt và có giá trị giáo dục cao.

Vào ngaỳ 22/12/2018, họa sĩ Lê Phong Linh, bút danh Lê Linh, đã đăng tải một bài đăng gồm 18 khung hình khắc họa lại quá trình 12 năm đưa vụ việc tranh chấp bản quyền nhân vật trongThần đồng Đất Việtra tòa. Bài viết nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng và được lan truyền chóng mặt.

Bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập “Thần đồng đất Việt”,đã được cấp phép xuất bản tại VN tháng 2/2002, thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị.

Bộ truyện được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận vào tháng 5.2002 cho đồng tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, riêng quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.

Tuy nhiên, sau khi phát hành đến tập thứ 78 thì họa sĩ Lê Linh quyết định ngưng cộng tác với công ty Phan Thị. Từ đó các tập tiếp theo của bộ truyện tiếp tục ra đời không đề tên tác giả họa sĩ là ông Linh, dù vẽ giống nhân vật của ông Linh.

Trước sự việc này, họa sĩ Lê Linh cho rằng ông là tác giả của bộ truyện nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm mà không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật có sẵn trong bộ truyện. Vì vậy, từ tháng 4.2007, họa sĩ Lê Linh chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị lên Tòa án Kinh tế TP.HCM.

Trong thời gian chờ đợi tòa án phân xử, đầu năm 2008, họa sĩ Lê Linh cho ra đời một bộ truyện tranh mới có tên gọi “Long Thánh” với những nhân vật chính: Long Tinh, Lưu Đại sư, Rồng Long Nhí…

Phía Công ty Phan Thị cho rằng nhân vật Long Tinh là biến thể của Trạng Tý trong “Thần đồng đất Việt” thuộc sở hữu quyền tác giả đã đăng ký và được bảo hộ của Công ty Phan Thị. Ông Lê Linh không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả là công ty, vi phạm bản quyền nên Phan Thị kiện ngược lại họa sĩ Lê Linh ra tòa.

Vụ kiện tranh chấp quyền tác giả giữa ông Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (đại diện Công ty Phan Thị) về bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt kéo dài suốt 12 năm.

Tranh chấp nhãn hiệu "Mì Hảo Hảo" với "Mì Hảo Hạng"

 

Năm 2015, Acecook phát hiện một sản phẩm của Asia Foods mang dấu hiệu “Mì Hảo hạng, Tôm chua cay, hình” có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo hảo, Tôm chua cay, hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360 ngày 29/04/2005 của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Acecook).  

Cụ thể như sau: Kiểu chữ, sợi mì tôm, hình tô mì, màu sắc chủ đạo của bao bì tạo nên một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mì Hảo Hảo bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

Cho rằng thiết kế của mì Hảo Hạng giống hệt với bao bì mì Hảo Hảo của mình. Acecook Việt Nam quyết định đã kiện ra tòa, yêu cầu bốn vấn đề: Xác định hành vi vi phạm của Asia Foods, buộc chấm dứt vi phạm, Asia Foods đăng báo xin lỗi công khai trong ba kỳ, bồi thường thiệt hại cho Acecook.

Sau đó, Acecook Việt Nam gửi công văn khuyến cáo Asia Foods về hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu, hai bên nhiều lần làm việc với nhau nhưng không đi đến kết quả thống nhất.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa Án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên Asia Foods có hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay, hình” của Acecook. Do đó, buộc Asia Foods chấm dứt hành vi xâm phạm, đăng báo xin lỗi công khai về hành vi xâm phạm trên Báo Tuổi trẻ ba số liên tiếp.

Tuy nhiên, ngày 06/12/2017, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã nhận định Asia Foods KHÔNG có hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay, hình” của Acecook và ra phán quyết bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Acecook Việt Nam. Đồng thời, đình chỉ và ghi nhận sự tự nguyện không dùng lại nhãn hiệu mang dấu hiệu “Mì hảo hạng, Tôm chua cay và hình” của Asia Foods - đối tượng khởi kiện của Acecook Việt Nam.
 

Vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nhân vật hoạt hình Việt Nam

Vụ tranh chấp bản quyền giữa giữa eOne và Sconnect diễn ra từ tháng 11/2021, khi eOne liên tục đánh bản quyền các video (do Sconnect Việt Nam sở hữu) trên YouTube.

Tiếp đó, ngày 11/1/2022, eOne nộp đơn khởi kiện chống lại Sconnect tại Tòa án Moscow (Liên bang Nga) với cáo buộc: Bộ nhân vật Wolfoo là sản phẩm làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig (do Entertainment One UK Limited tại Vương Quốc Anh – gọi tắt là eOne hay EO sở hữu); Đăng tải và phổ biến bất hợp pháp trên Internet các tác phẩm phái sinh - tức là các video hoạt hình Wolfoo.

EOne cũng yêu cầu Toà án bảo vệ độc quyền với các bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig dưới hình thức ban hành Lệnh cấm tạo ra các điều kiện kỹ thuật, hỗ trợ thực hiện bất hợp pháp, phân phối và sử dụng bất hợp pháp của các nhân vật của bộ phim hoạt hình Peppa Pig (bao gồm các nhân vật Peppa Pig, George Pig, Mummy Pig, Daddy Pig) dưới hình thức các nhân vật được làm lại là Wolfoo, Lucy, Missis Wolf, Mister Wolf, trong 2 video được đăng tải trên YouTube.

Ngày 14/6/2022 Hội đồng chuyên gia văn hóa, nghệ thuật của Nga sau khi phân tích so sánh về bộ nhân vật Wolfoo và bộ nhân vật Peppa Pig đã đưa ra kết luận “Bộ nhân vật Wolfoo là sự sáng tạo độc lập hoàn toàn và không phải là sản phẩm làm lại, phái sinh của Bộ nhân vật Peppa Pig”.

Kết quả này khẳng định Wolfoo là sản phẩm sở hữu trí tuệ độc lập cả về mặt khoa học, kỹ thuật sáng tạo cho đến giá trị pháp lý.

Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên gia nghệ thuật Nga, ngày 7/7/2022, eOne nộp đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại Nga. Cùng ngày, Tòa án Moscow ra quyết định chấm dứt vụ kiện, đồng thời tuyên bố rằng tất cả các bên bao gồm cả eOne “không được phép khiếu nại, khiếu kiện rằng Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig”.

Sau khi eOne tự rút đơn kiện, tháng 8/2022, Sconnect nộp đơn khởi kiện ngược lại eOne tại Tòa án Moscow yêu cầu eOne bồi thường các tổn thất do eOne gây ra do vụ kiện.

Tòa án Moscow đã xét xử trong 3 phiên, sau đó ra phán quyết chấp nhận một phần các yêu cầu của Sconnect và tuyên eOne phải nộp 240.000 RUB cho Toà án Nga để bồi thường cho “cha đẻ” của Wolfoo.

Hiện nay “cha đẻ” của hai bộ nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới đang khởi kiện lẫn nhau tại toà án Vương quốc Anh và Việt Nam.

Cụ thể, ngày 24/01/2022, eOne gửi Đơn khởi kiện Sconnect Việt Nam ra Tòa án cấp cao tại London với cáo buộc: Sconnect vi phạm bản quyền: Làm lại Bộ nhân vật Peppa Pig; Sử dụng phong cách nghệ thuật của phim hoạt hình Peppa Pig; Sử dụng các âm thanh đặc trưng của phim hoạt hình Peppa Pig; … với danh sách 91 videos Wolfoo; Cạnh tranh không lành mạnh: Gây nhầm lẫn rằng Wolfoo và Peppa Pig là cùng một chủ sở hữu tạo ra; Vi phạm nhãn hiệu Peppa Pig.

Ngày 19/8/2022, Sconnect đã nộp đơn khởi eOne lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Sconnect cáo buộc eOne sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig; đồng thời đề nghị Toà án xem xét phán quyết buộc eOne phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu, cải chính thông tin, công khai xin lỗi.

Ngày 14/9/2022, Sconnect tiếp tục gửi đơn khởi kiện eOne lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội vụ án thứ 2. Sconnect kiện eOne vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo; yêu cầu eOne chấm dứt hành vi xâm hại và bồi thường thiệt hại.

Mới đây, Sconnect Việt Nam cho biết diễn biến mới nhất của vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig. Theo đó, ngày 10/11/2022, Thẩm phán của Tòa án thành phố Moscow (Liên bang Nga) đã ra phán quyết chấp nhận một phần yêu cầu của Sconnect Việt Nam về việc thu án phí trong vụ án dân sự số 3-473/2022.

Cụ thể, Tòa án sẽ thu từ nguyên đơn là eOne và trả lại cho bị đơn là Sconnect số tiền 240.000 RUB. Đây là số tiền bồi thường cho một phần chi phí mà Sconnect phải bỏ ra để tham gia vụ kiện do eOne đệ đơn lên Tòa án Moscow vào tháng 1/2022.

Tranh chấp tên thương hiệu "Phở Thìn Lò Đúc"

Những ngày qua, vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn ("cha đẻ" của Phở Thìn 13 Lò Đúc) với “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc nhận được nhiều sự quan tâm.

Ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào.

Trong khi đó, ông Đoàn Hải Trung, người từng được ông Thìn cho phép sử dụng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc để kinh doanh chi nhánh tại Hải Dương, chia sẻ với báo chí rằng mình là "giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn".

Ngoài những lùm xùm liên quan thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, một vấn đề khác được quan tâm là việc thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ do văn bằng nhãn hiệu này đã được cấp cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), được biết đến với tên Phở Thìn Bờ Hồ.

Trường hợp này, nếu Phở Thìn Bờ Hồ đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và người đại diện hợp pháp của cơ sở này không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng nhãn hiệu Phở Thìn thì các bên sử dụng nhãn hiệu này bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại diện của Phở Thìn Bờ Hồ có quyền yêu cầu xử lý đơn vị vi phạm và buộc đơn vị này thay đổi tên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục