Những yếu tố có thể đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục trong năm 2023

05:30' - 05/04/2023
BNEWS Các chuyên gia giao dịch hàng hóa dự báo trong năm 2023 giá vàng có thể tăng cao kỷ lục, trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu làm gia tăng lo sợ về suy thoái.

Theo tạp chí The Financial Review (Australia), các chuyên gia giao dịch hàng hóa dự báo trong năm 2023 giá vàng có thể tăng cao kỷ lục, trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu làm gia tăng lo sợ về suy thoái, trong khi các ngân hàng trung ương đang dần kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Giá vàng có thể chạm ngưỡng 2.600 USD/ounce

Thị trường hàng hóa được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng đột biến vào tháng trước sau sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực của Mỹ và đỉnh điểm là việc ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS mua lại Credit Suisse - ngân hàng có tuổi đời 167 năm - với giá hơn 3 tỷ USD.

Lo ngại về rủi ro có thể lây lan nhanh đã khiến thị trường phản ứng nhanh chóng trước nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ, đẩy giá vàng lên mốc quan trọng là 2.000 USD/ounce và gần chạm mốc kỷ lục 2.075,47 USD/ounce thiết lập trong thời kỳ đại dịch vào năm 2020. Vàng cũng lần đầu tiên tăng trên 3.000 AUD/ounce (tương đương 2.003 USD) ở Australia và 165.000 rupee/ounce (khoảng 2.003 USD) ở Ấn Độ.

 

 

Trong khi giá vàng đã hạ nhiệt vì những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng đã giảm bớt, các chiến lược gia tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ, kích hoạt đợt sụt giảm lợi suất trái phiếu thực (real bond yield) và đồng USD.

Ông Warren Patterson, Trưởng Bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định chính sách của Fed có thể sẽ đóng vai trò then chốt đối với giá vàng về trung hạn. Fed có thể đang tiến gần đến mức lãi suất cao nhất và chúng ta có thể chứng kiến sự “đảo chiều” vào nửa cuối năm nay. Ông cho biết: “Chúng tôi dự đoán lợi suất thực tế (real yield) sẽ giảm theo lãi suất được điều chỉnh vào cuối năm nay, điều này sẽ hỗ trợ cho giá vàng”.

ING dự báo giá vàng sẽ giảm trong ngắn hạn khi Fed điều chỉnh mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lần cuối vào tháng 5/2023, từ đó nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ lên khoảng từ 5-5,25%.

Tuy nhiên, giá vàng sẽ tăng cao hơn trong nửa cuối năm nay khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. ING dự đoán rằng lãi suất sẽ được cắt giảm 0,75 điểm phần trăm trong quý IV/2023, điều này khiến giá vàng có thể đạt mức trung bình 2.000 USD/ounce trong khoảng 3 tháng.

Ngân hàng Citi thậm chí còn lạc quan hơn khi nâng mục tiêu giá vàng trong giai đoạn 3 tháng và giai đoạn 6-12 tháng lần lượt là 2.100 USD/ounce và 2.300 USD/ounce. Nếu Fed đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp chính sách vào tháng 5/2023 tới, điều này sẽ củng cố thêm niềm tin cho những dự báo của Citi.

Ông Aakash Doshi, chiến lược gia cao cấp về hàng hóa của Citi, cho biết: “Về mặt cấu trúc, chúng tôi dự đoán giá vàng tăng cho đến cuối năm 2023”. Ông cho rằng, có vẻ như nền giá vàng hiện nay đã cao hơn và được hỗ trợ bởi thông tin liên quan đến động thái của Fed, sức nén của lợi suất thực tế đang ở dưới “đường cong lợi suất” và khả năng đồng USD có thể đạt đỉnh.

Sàn giao dịch CMC Markets có trụ sở tại Anh cũng nhất trí cho rằng sự “đảo chiều” trong chính sách lãi suất của Fed có thể diễn ra sớm hơn, từ đó sẽ kích hoạt một đợt tăng giá vàng tiếp theo. CMC Markets dự đoán giá vàng có thể tăng vọt lên đến 2.600 USD/ounce do đồng USD và lợi suất trái phiếu sụt giảm.

Yếu tố “lo ngại”

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tin rằng việc giá vàng tăng đột biến trong tháng Ba vừa qua gần như hoàn toàn có thể được lý giải bởi lực cầu gia tăng, vốn được thúc đẩy bởi “nỗi lo ngại” trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng Mỹ và rủi ro suy thoái kinh tế tăng cao hơn.

Trong khi lượng tiền gửi ở các ngân hàng khu vực nhỏ của Mỹ đang giảm với tốc độ chóng mặt, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs giảm mức dự báo tăng trưởng của Mỹ trong quý IV năm nay và nâng dự báo xác suất nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái trong vòng một năm lên tới 35%.

Bà Sabine Schels, chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại Goldman Sachs, cho rằng mặc dù vàng gặp khó khăn trong năm qua do môi trường vĩ mô chưa xuất hiện nhiều “nỗi sợ hãi” và bị hạn chế bởi dòng tiền, song hai yếu tố này sẽ được tích lũy trong năm nay.

Goldman Sachs đã nâng mục tiêu giá vàng trong 12 tháng lên 2.050 USD/ounce, song cho biết sẽ rất khó để giá tăng bền vững trên mốc 2.100 USD nếu Fed không cắt giảm lãi suất trong bối cảnh suy thoái kinh tế Mỹ.

Goldman Sachs dự báo nguy cơ kinh tế “hạ cánh cứng” tăng cao sẽ khiến các nhà đầu tư bắt đầu mua lại vàng qua các quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa (ETF) sau đợt thoái vốn đáng kể vào năm 2022. Theo ING, vào năm ngoái, thị trường vàng đã chứng kiến hơn 110 tấn vàng bị thoái vốn khỏi các quỹ ETF và là năm thứ 2 liên tiếp chứng kiến tình trạng rút ròng vốn.

“Thu gom” một lượng lớn vàng

Bất chấp sức tăng của giá vàng vào đầu năm nay, đà bán ở các quỹ ETF vẫn tiếp diễn trong tháng 1-2/2023. Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy lượng thoái vốn ròng là 61 tấn trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, xu hướng trên đã đảo chiều vào tháng Ba vừa qua, với việc các quỹ ETF mua ròng 36 tấn vàng trong 2 tuần, tính đến ngày 24/3.

Ông Warren Patterson cho rằng, lượng vàng mà các ETF nắm giữ phần lớn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của lĩnh vực ngân hàng và mức độ thành công mà các nhà hoạch định chính sách khôi phục niềm tin.

Nhu cầu yếu của các quỹ ETF trong năm 2022 đã được bù đắp nhờ sức mua lớn từ các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng này đã mua gần 1.136 tấn vàng vào năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc được biết đến là những quốc gia mua nhiều nhất, với lượng mua vào lần lượt là 148 tấn và 62 tấn vàng.

Điều này vẫn tiếp diễn vào năm 2023 khi Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc lần lượt mua thêm 23 tấn và 15 tấn trong tháng 1/2023. Ông Patterson chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tiếp tục là những người mua lớn trong bối cảnh bất ổn không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế”.

Các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi tiếp tục gia tăng nhu cầu đối với kim loại quý này sau đợt mua kỷ lục 1.135 tấn vào năm ngoái. Goldman Sachs dự báo con số trên sẽ tăng lên 1.300 tấn vào năm 2023, do căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Tuần trước, Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) nhận định sức mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn rất mạnh. Trong khi đó, chi phí sản xuất hàng năm đối với các công ty khai thác vàng cũng đang tăng lên và sản lượng được dự báo sẽ giảm.

NAB dự kiến sản lượng vàng sẽ giảm khoảng 6,6% trong giai đoạn từ năm 2023-2027 do hoạt động thăm dò sụt giảm, vì lĩnh vực khai khoáng sẽ tập trung nhiều hơn vào khai thác kim loại cơ bản và khoáng sản quan trọng phục vụ sản xuất pin. Với việc chứng kiến giá vàng tiếp tục tăng ở thời điểm hiện tại, NAB dự báo giá kim loại quý này có thể đạt mức 1.980 USD/ounce vào cuối năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục