Nỗ lực từ nhiều phía

07:50' - 01/11/2021
BNEWS Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh vẫn chưa dừng.

Trong gần 2 năm qua, sự hoành hành và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã tàn phá nhiều thành quả kinh tế - xã hội của hầu khắp các quốc gia trên thế giới; trong đó, có Việt Nam.

Sức khoẻ và tính mạng của người dân bị đe dọa; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình đốn và nền kinh tế luôn thường trực nguy cơ chậm tăng trưởng. 
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến thời điểm này, cả nước đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Bình quân một tháng có khoảng 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh vẫn chưa dừng.

Với 95% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế hiện ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động còn thấp; tính liên kết trong cộng đồng lại chưa cao.

Một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân hạn chế về văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật... khiến cho khu vực doanh nghiệp này trở nên mong manh, dễ tổn thương nhất trước tác động của đại địch.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... không ít doanh nghiệp đã mất hợp đồng, mất dòng tiền, suy kiệt về tài chính, lực lượng lao động bỏ việc, về quê...

Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, không có việc làm và tình hình an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh trở thành bài toán nan giải, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn cần sự đồng hành hợp sức của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương tương trợ cộng đồng doanh nghiệp vực dậy nền kinh tế.
Song song với chiến dịch mở rộng tiêm chủng vaccine phòng chống dịch COVID-19, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COID-19” và Nghị định 80/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Theo đó, Nghị định quy định việc hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...

Đây được coi là chính sách quan trọng có ý nghĩa đặc biệt giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhất là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hay các doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật... tiếp cận được nguồn hỗ trợ một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Từ thực tiễn của các doanh nghiệp thành viên, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) đánh giá rất cao động thái này của Chính phủ và các cấp ngành và khẳng định, phản ứng chính sách tức thời sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với tình hình mới: vừa triệt để phòng chống dịch, vừa khẩn trương khôi phục và vận hành lại sản xuất kinh doanh. Từ đó, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và thúc đẩy nền kinh tế cả nước sớm ổn định, phát triển.
Theo ông Hà, cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác, các doanh nghiệp phân bón đã và đang phải chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; nhất là vấn đề phân phối, lưu thông vận tải hay sản xuất tại chỗ.... gây tốn kém rất nhiều chi phí. Chưa kể tình trạng không giải phóng được hàng tồn kho, trong khi nguồn cung nguyên liệu lại ngày càng khan hiếm và giá cả tăng cao khiến các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh bí tắc.
Với tổng số khoảng 850 doanh nghiệp phân bón đang là thành viên hiệp hội; trong đó, hơn 800 doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa thì việc duy trì thị trường và giữ giá sản phẩm là rất khó khăn. Nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đang tăng phi mã, có mặt hàng tăng giá từ 60-80%. Như vậy, trong tương lai gần, thị trường và ngành nông nghiệp có thể đối diện với việc tăng giá mạnh của mặt hàng phân bón thành phẩm. 
Bình luận về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hà cho rằng, các chính sách chung về miễn, giảm tiền điện, tiền thuê đất, đóng bảo hiểm xã hội... đã cơ bản thỏa mãn yêu cầu tối thiểu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước duy trì thị trường, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đưa phân bón vào danh mục mặt hàng chịu thuế gia tăng để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nguy cơ phân bón giả, nhái nhãn hiệu và kém chất lượng đang lợi dụng biến động về nguồn cung nguyên liệu để trục lợi.
Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ khâu cấp phép sản xuất hay giấy phép lưu hành đối với các doanh nghiệp ngành phân bón; đi đôi với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí để tăng đầu tư cho các hạng mục khác.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh cho biết, là doanh nghiệp trẻ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 2 nhóm sản phẩm chính là cung cấp chuỗi gạo; xây dựng phát triển sản phẩm dược liệu sachi, năm 2021, Châu Anh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất thu mua nguyên liệu khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Không chỉ khâu vận chuyển hàng hóa bị ngưng trệ mà việc thu hái nguyên liệu cũng gặp rất nhiều trở ngại. Trong khi đó, thị trường đầu ra cũng bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty chỉ tập trung duy trì nhóm thực phẩm nông sản thiết yếu.
Với những cơ chế, chính sách vừa được Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt và đạt hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, nhanh chóng khôi phục sản xuất, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm được tạo điều kiện thuận lợi để vận dụng công nghệ 4.0 vào vận hành, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cũng như để phát triển thị trường cho cây sachi và vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, bền vững.
Châu Anh cũng mong muốn, được thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác và mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học.... để hiệu quả sản xuất kinh doanh từng bước khẳng định vai trò, vị thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị./.
>>>Bài 3: Cân nhắc những chương trình hỗ trợ lớn hơn

Tin liên quan

  • “Tặng cần câu hay xâu cá”? Doanh nghiệp

    “Tặng cần câu hay xâu cá”?

    07:45' - 01/11/2021

    Trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, việc “hồi sức” cho doanh nghiệp bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu tặng “cần câu” sắc bén thay vì cho “xâu cá”!

  • Tháng 10, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng gần 30% Doanh nghiệp

    Tháng 10, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng gần 30%

    18:47' - 31/10/2021

    Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước, trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng 9.


Tin cùng chuyên mục