Nông dân lao đao vì giá dong riềng giảm mạnh

11:03' - 08/12/2017
BNEWS Nhờ trồng và chế biến dong riềng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Nhưng năm nay, đa số người trồng dong riềng đều cảm thấy ngao ngán vì giá thu mua dong riềng xuống quá thấp.
Củ dong riềng hiện được bán ở mức 1.000 – 1.400 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái. Ảnh: Quang Cường -TTXVN

Vụ thu hoạch dong riềng năm nay, nông dân Tuyên Quang gặp khó khăn khi giá dong riềng xuống thấp và hiện chỉ bằng một nửa so với giá năm trước.

Thời điểm hiện nay, tại các xã có diện tích trồng dong riềng lớn trong tỉnh Tuyên Quang, giá dong riềng bán trên thị trường ở mức 1.000 – 1.400 đồng/kg, trong khi đó cùng thời điểm này năm ngoái, giá dong riềng đạt 2.500 - 2.700 đồng/kg. Với giá như hiện nay, trừ chi phí đầu tư phân bón, giống, thuê người thu hoạch và vận chuyển thì người trồng dong riềng gần như không có lãi.

Ông Trần Văn Tiến, thôn Lộc Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, gia đình có 10 sào dong riềng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50 tấn củ. Năm 2016 khi giá dong riềng dao động từ 2.500 – 2.700 đồng/kg, trừ hết chi phí gia đình ông thu lãi trên 30 triệu đồng. Năm nay, giá dong riềng giảm xuống còn 1.000-1.300 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, số tiền lãi chỉ được khoảng 5 - 7 triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Bá Thụ, thôn Đồng Nghiêm, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng và chế biến dong riềng. Hiện tại gia đình ông Thụ có 3ha dong riềng và 1 xưởng chế biến dong riềng.

Ngoài việc tiêu thụ dong riềng của gia đình tự sản xuất, ông Thụ còn thu mua dong riềng nguyên liệu của các hộ trong xã. Nhiều lần chứng kiến sự biến động về giá cả của củ dong riềng nhưng đây là lần thứ 2 ông Thụ nhận thấy giá dong riềng giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Ông Nguyễn Bá Thụ cho biết, những năm 2013-2014 giá dong riềng giảm xuống còn 500- 700 đồng/kg nhiều hộ trồng dong riềng chán nản không thu hoạch để cây chết, chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Đến năm 2015-2016 do thị trường khan hiếm, giá dong riềng tăng lên 2.500 – 2.700 đồng/kg, người dân lại ồ ạt trồng dong riềng trở lại, dẫn đến mùa vụ năm 2017, giá dong riềng giảm xuống còn hơn 1.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến dong riềng rớt giá là do thời tiết mưa nhiều hàm lượng tinh bột thấp. Bên cạnh đó, giá tinh bột dong riềng năm nay cũng xuống thấp làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá nguyên liệu.

Xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là một trong những địa phương có diện tích trồng dong riềng lớn ở tỉnh. Những năm gần đây, xã Lực Hành xác định cây dong riềng là 1 trong những cây phát triển kinh tế chủ lực của địa phương.

Nhờ trồng và chế biến dong riềng, nhiều hộ dân ở xã Lực Hành đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Nhưng vụ thu hoạch năm nay, đa số người trồng dong riềng trong xã đều cảm thấy ngao ngán vì giá thu mua dong riềng xuống quá thấp.

Ông Ma Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết, năm 2010 xã có hơn 70ha dong riềng, đến năm 2017, diện tích trồng dong riềng của xã đã lên trên 120ha. Sự gia tăng nhanh chóng về diện tích, lượng cung lớn hơn cầu là nguyên nhân chính khiến giá dong riềng không giữ được sự ổn định. UBND xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích quá nhanh nhằm giữ được sự cân bằng của thị trường.

Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng dong riềng gần như không có lãi. Ảnh: Quang Cường -TTXVN

Năm 2016, giá dong riềng nguyên liệu, tinh bột tăng cao nên người dân tại một số địa phương của tỉnh Tuyên Quang tập trung đầu tư trồng dong riềng khiến diện tích dong riềng tăng đột biến đạt mức trên 1.000 ha; trong đó nhiều nhất là huyện Yên Sơn với trên 800 ha, sản lượng ước đạt khoảng trên 56.000 tấn, tập trung tại các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Lực Hành... Sản xuất quy mô lớn nhưng thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp đã dẫn đến khủng hoảng thừa.

Ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, cây dong riềng không phải là cây được tỉnh xếp vào danh mục là cây trồng chủ lực của tỉnh.

Quy hoạch của tỉnh về diện tích cây dong riềng dao động từ 500-600 ha, tuy nhiên tại một số địa phương, người dân mở rộng diện tích trồng dong riềng một cách tự phát khiến diện tích tăng lên nhanh chóng làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Sở Nông nghiệp khuyến cáo người dân, khi dong riềng được giá không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà phải tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng, giá trị của củ dong riềng.

Để cây dong riềng tiếp tục phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, Tuyên Quang cần có chính sách hợp lý trong quy hoạch, hỗ trợ người dân từ khâu trồng, chế biến đến khâu tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, phải hạn chế tối đa tình trạng sản xuất không theo quy hoạch, đồng thời tạo được liên kết chuỗi giá trị để ổn định được đầu ra cho sản phẩm, các cơ sở chế biến cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng, tạo uy tín của sản phẩm trên thị trường./.

>>> Làm gì để đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục