Nông dân “méo mặt” vì không có điều để bán

06:19' - 14/03/2017
BNEWS Giá thu mua điều tăng cao nhưng người dân trồng điều ở Bình Phước lại méo mặt vì thất mùa.
Nông dân “méo mặt” vì không có điều để bán. Ảnh: TTXVN

Hiện, giá thu mua điều ngay tại vườn tăng vọt lên 46.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016). Thế nhưng, bà con trồng điều ở “thủ phủ” Bình Phước lại "méo mặt" vì điều thất mùa đến 50%.

Bù Gia Mập là huyện chuyên canh cây điều lớn nhất tỉnh Bình Phước với trên 41.000ha. Đa số những hộ nông dân trồng điều là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Họ sống dựa vào cây điều là cây xóa đói giảm nghèo đang được chính quyền khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình.Thế nhưng, những cơn mưa trái mùa bất thường, cùng những đợt sương muối, nạn bọ xít muỗi đã “cuốn” đi niềm hy vọng được mùa bội thu của người nông dân.

Đặc biệt, những người dân nghèo có ít vườn trồng cây điều đối diện với khó khăn khi mùa thu hoạch đang đến.

Vào vùng đất được người dân hay gọi là 134, thuộc thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, cách trung tâm huyện Bù Gia Mập 20km, những vườn điều khô bông, khô cành, có cây còn khô nguyên cây khiến ai đi qua phải tiếc.

Địa danh mang tên 134 là đất được cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn không có đất sản xuất.

Theo nhiều hộ dân có đất trồng điều tại đây, mọi năm cây điều đều cho trái ổn định, thế nhưng năm nay do mưa bất thường, bọ xít muỗi, sương muối đã gây hại hầu hết bông và trái, thiệt hại ước lên đến 50%.

Theo ghi nhận, không chỉ vùng đất người nghèo 134 bị ảnh hưởng nặng nề của thời tiết mà còn rất nhiều khu vực trên đia bàn huyện Bù Gia Mập, Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng và huyện Bù Đốp, thị xã Phước Long đều bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Ước tính sản lượng giảm một nửa so với năm ngoái.

Mất mùa nhưng giá lại tăng cao, làm nhiều nhà vườn tiếc “hùi hụi”. Hiện các thương lái vào tận vườn thu mua hạt điều tươi với giá khoảng 46.000 đồng/kg cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá điều tăng cao nhưng bà con lại kém vui vì các vườn điều xác xơ không có trái thu hoạch.

Hộ nông dân Điểu Nghiêm thuộc diện bà con dân tộc thiểu số ở thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập sở hữu 1 ha trong khu vực 134, thôn Hai Căn xã Phú Nghĩa bị ảnh hưởng nặng nề. Dù gia đình anh đã kịp phun các loại hóa chất dưỡng bông, dưỡng trái, chống sâu bệnh nhưng vẫn không thể cứu nổi bông và trái non.

Anh Nghiêm chia sẻ: “Năm nay vườn nhà tôi theo như ước tính thiệt gần đến 80%. Hiện những trái còn lại không biết thu hoạch có bù lại chi phí công phát dọn cỏ, phân bón, thuốc phun”.

Kế vườn nhà anh Điểu Nghiêm là anh Điểu Dũng cũng được cấp đất trồng điều nhưng vụ này thất thu hoàn toàn. Anh Dũng cho biết: “Sau Tết thời tiết thay đổi đột ngột, sương muối cộng với mưa đã làm khô hết bông điều, khiến cả vườn đậu được ít trái, năm nay gia đình sẽ bị giảm thu nhập”, anh Dũng tiếc nuối.

Cây điều được xem là cây xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhất là huyện nghèo Bù Gia Mập – nơi phần lớn bà con đồng bào dân tộc sống dựa vào cây điều.

Đến xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đúng lúc mùa thu hoạch điều đang bắt đầu, song bà con buồn vì giá tăng mà không có điều để bán. Gia đình ông Điểu Khét ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn không thể vui được vì cả vườn điều đậu trái chỉ được 30%.

Ông Khét cho biết, cả nhà dựa vào 2 ha điều với bao dự tính sẽ thu hoạch năm nay để trả nợ, một phần còn lại tái đầu tư để vươn lên thoát nghèo. “Nào ngờ vườn điều đang trổ bông đẹp thì bị mưa và gió lạ kéo về cho héo khô chỉ sau một tuần.

Hiện gia đình tôi còn nợ hơn 100 triệu đồng. Gia đình dự tính 2ha điều sẽ thu được 200 triệu đồng, nhưng mất mùa thế này không biết cuối vụ còn được bao nhiêu để trả nợ”, ông Khét chia sẻ.

Đến thăm gia đình hộ chị Nga ngụ tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, chị cũng đang trông chờ 2 ha đang trồng khu 134 thuộc thôn Hai Căn.

Vườn điều chị Nga vụ này mất mùa đến 90%. Chị Nga buồn rầu cho biết, hiện nay gia đình còn nợ đầu tư sản xuất đến 120 triệu đồng, mong vụ điều này thu hoạch sẽ trả xong, nhưng điều không đậu trái, cũng không có tiền trả nợ”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục