Nông nghiệp hứng khởi đón luồng gió mới từ đột phá phát triển khoa học, công nghệ

16:55' - 16/01/2025
BNEWS Các trường đạo tạo, viện nghiên cứu… đều hứng khởi, vui mừng khi có một nghị quyết – chìa khóa mở ra với với các nhà khoa học, nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Đó là những chia sẻ của các cơ sở đào tạo, nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tọa đàm Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp tổ chức chiều 16/1 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

 

GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm Nghiệp chia sẻ, thế giới cạnh tranh nhau ở nguồn nhân lực, mạnh yếu là ở năng suất lao động. Trong xu thế mới, kỷ nguyên mới, thế giới cạnh tranh ở sự phân tích, xử lý dữ liệu. Sau khi học tập Nghị quyết 57-NQ/TW, Trường Đại học Lâm Nghiệp xây dựng ngay và hoàn thiện bản thảo kế hoạch của Trường để thực hiện nghị quyết và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đánh giá, đây thực sự là luồng gió mới với khoa học công nghệ và viện rất hào hứng chờ đón việc thực thi Nghị quyết. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, hiện không gian phát triển nông nghiệp đã giới hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cao, kết quả  sản xuất của ngành chỉ còn trông chờ và khoa học công nghệ. Nếu không có khoa học công nghệ, ngành không có lực lượng sản xuất mới.

"Trước đây, khoa học công nghệ phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm. Hiện nông nghiệp đã có bước đi ngang, thậm chí đi xuống. Để đi lên cần có sự chuyển biến về chất, tạo giá trị cao cho các ngành hàng", ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Để đổi mới tư duy, tạo bứt phá trong nghiên cứu khoa học công nghệ, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, các viện cần thay đổi về tư duy, đó là việc sẵn sàng liên kết hợp tác với các nhà khoa học các bên.

Tổ chức bộ máy nếu quá cồng kềnh cũng không hiệu quả. Trong 5 năm gần đây, nguồn lực được đào tạo ở trình độ cao ở  nước ngoài hạn chế. Các viện cần chủ động hợp tác, cử người đi đào tạo tại nước ngoài để có nguồn nhân lực tốt. Đặc biệt, các viện cần có định hướng nghiên cứu chiến lược, tránh dàn trải.

Chia sẻ cụ thể về định hướng nghiên cứu, GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, để có đột phá thì phải đi vào công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị và thực hiện hợp tác công tư. Viện sẽ hướng đến phát triển các giống cây lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường nhưng nếu đi theo cách cũ sẽ không mang lại đột phá.

“Công nghệ nhân giống phục vụ sản xuất phải nhanh, nhiều, tốc độ cao. Viện sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ gen sẽ chọn tạo giống”, ông Võ Đại Hải cho biết.

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng chia sẻ, các cơ sở đào tạo và lãnh đạo các viện nghiên cứu cần đổi mới tư duy, tạo ra những không gian sáng tạo để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khoa học công nghệ cần chạm đến cuộc sống con người, khi nghiên cứu cần nghĩ đến nông dân, doanh nghiệp cần gì để từ đó định hướng nghiên cứu. Trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, hạn chế về nguồn lực, các cơ sở đào tạo, viện cần có sự hợp tác, chia sẻ cùng nhau để hợp tác, phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục