Nông nghiệp thông minh: Đột phá từ công nghệ 5.0

16:57' - 23/07/2024
BNEWS Chiều ngày 23/7 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị về kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập.

 

Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và đã có những mô hình đột phá nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Việt Nam đã tiếp cận nhiều thành tựu công nghệ nhưng vận dụng, áp dụng thế nào để mang lại hiệu quả và liên kết sản xuất thế nào để đầu tư công nghệ hợp lý là bài toán khó.

Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì Cách mạng công nghiệp 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.

“Để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam cần có sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và chính các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan. Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất nông nghiệp rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Đó chính là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp xanh - tuần hoàn và bền vững. Vì vậy, việc liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học công nghệ phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) nhận định, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành nền tảng của nền nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững, cách thức tiếp cận cần đặt trọng tâm vào các tổ chức khoa học và doanh nghiệp nông nghiệp trong các hoạt động đầu tư và phát triển thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình dẫn dắt trong hệ sinh thái 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thẳng thắn thảo luận và gợi mở, kiến nghị, đề xuất những giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ Cách mạng công nghệ 5.0, cụ thể như tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh; tiếp tục triển khai sát với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trang trại để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp; cần lựa chọn và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong những năm tới; sử dụng đồng bộ công nghệ đèn LED để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của hoa; nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng điện mặt trời; ứng dụng công nghệ robot…

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao để đồng bộ về nông nghiệp thông minh; mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI và dự án ODA về nông nghiệp thông minh để tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ, cách quản trị của họ nhằm rút ngắn thời gian, nhưng hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ từ nông nghiệp thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, robot cho thực phẩm an toàn, phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục