Nữ nông dân ở Bố Trạch (Quảng Bình) vươn lên làm giàu với sản phẩm OCOP

13:26' - 20/03/2022
BNEWS Luôn trăn trở làm giàu chính đáng và giúp người nông dân cùng vươn lên, chị Nguyễn Thị Xuân mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bố Trạch tạo vốn để lập nghiệp.

Bằng sự nỗ lực, tâm huyết của bản thân, chị đã thu lời hàng trăm triệu/năm từ việc trồng nấm và bán rượu sim. Bên cạnh đó, chị còn kêu gọi các hộ nghèo cùng phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

 

Chị Nguyễn Thị Xuân (xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là con nhà nông chính hiệu, vừa làm ruộng vừa chăn nuôi và vẫn luôn trăn trở về việc làm giàu cho mình cũng như người dân trên chính mảnh đất quê hương, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Với ý nghĩ đó, chị Nguyễn Thị Xuân mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bố Trạch tạo vốn để lập nghiệp. Năm 2018, chị Xuân vận động các gia đình hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương tham gia dự án "Phát triển sản xuất nấm linh chi thương phẩm". Từ đó, Tổ hợp tác trồng nấm thôn 3 Mỹ Trạch hình thành và đi vào hoạt động.

Năm 2019, Tổ hợp tác chuyển đổi thành Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng (HTX Xuân Hưng) do chị Nguyễn Thị Xuân làm Giám đốc, tập trung sản xuất mặt hàng rượu sim và các loại nấm sạch.

"Ngày đầu ngâm rượu sim để bán, người trong xã ai cũng bảo tôi bị điên. Nhiều người bảo là mua sim về ngâm rượu mấy người uống, rồi sẽ thất bại. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh, rượu sim tôi ngâm bán rất chạy, người dân ở các tỉnh phía Nam cũng liên hệ để mua với số lượng lớn", chị Xuân chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Thị Xuân, để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Hợp tác xã thay các dụng cụ sản xuất rượu thủ công bằng hệ thống sản xuất hiện đại theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng rượu thơm ngon, an toàn cho người sử dụng.

Để khẳng định chất lượng sản phẩm và từng bước tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, năm 2019, sản phẩm rượu sim Xuân Hưng tham gia chương trình OCOP tỉnh Quảng Bình và được xếp hạng 3 sao.

Năm 2020, rượu sim Xuân Hưng tiếp tục được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình.

Hợp tác xã Xuân Hưng được Ban điều hành cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận là "Mô hình khởi nghiệp tiêu biểu đóng góp vào công tác xây dựng và phát triển phong trào khởi nghiệp tỉnh Quảng Bình năm 2020".

Đến nay, hợp tác xã Xuân Hưng đã có diện tích mặt bằng trên 850m2; vừa tổ chức sản xuất, vừa học tập kỹ thuật qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã liên kết với các chương trình, dự án tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Xuân cho biết: "Nhờ sản xuất kinh doanh tốt nên Hợp tác xã Xuân Hưng thu lãi 400 triệu/năm từ việc trồng nấm và bán rượu sim; tạo được việc làm ổn định cho 15 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, giúp các lao động từng bước vươn lên thoát nghèo".

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch đánh giá: Chị Nguyễn Thị Xuân là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, huyện đang tuyên truyền, khuyến khích nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo các mô hình, sản phẩm OCOP, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và khẳng định sản phẩm của huyện.

Ngoài việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, chị Nguyễn Thị Xuân còn giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về con giống và thức ăn chăn nuôi để tạo sinh kế.

Bên cạnh đó, chị cũng luôn sẵn sàng chia sẻ với các hộ nông dân kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, ngoài việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã còn giúp một số hộ về con giống và thức ăn chăn nuôi với số tiền gần 50 triệu đồng.

Hợp tác xã đã trích quỹ phúc lợi xã hội 100 triệu đồng giúp các gia đình xã viên có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo.

Hàng năm hợp tác xã còn trích từ nguồn quỹ dự phòng gần để mua hàng hóa và một số tiền mặt ủng hộ đồng bào các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại do bão lụt gây ra với tổng số tiền trong 2 năm trên 100 triệu đồng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục