Nước lũ lên trở lại, nhiều tuyến đường ở thành phố Huế vẫn ngập

15:13' - 07/11/2017
BNEWS Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Thừa Thiên - Huế, tình hình mưa lũ tại địa phương đang diễn biến phức tạp.
Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế phối hợp với lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh, bùn đất tại các tuyến đường ở thành phố Huế, khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đêm 6/11, lũ trên các sông đã giảm nhiều so với mức đỉnh. Tuy nhiên, do mưa lớn ở thượng lưu, lũ trên sông Hương, sông Bồ đã lên trở lại và đang mức dưới báo động 3 khoảng 0,6 - 0,7m.

Mực nước lúc 9 giờ ngày 7/11 trên sông Hương tại Kim Long 2,82 m, dưới báo động 3 là 0,68 m; sông Bồ tại Phú Ốc 3,94 m, dưới báo động 3 là 0,56 m. Dự báo chiều 7/11, lũ trên sông Hương, sông Bồ dao động ở mức dưới báo động 3, có khả năng tối 7/11 sẽ giảm nhưng rất chậm.

Tại thành phố Huế, khoảng 50% tuyến đường vẫn ngập bình quân từ 0,3-0,5m. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như: Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,5 -1,3 m. Các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé... ngập bình quân 0,6 -1,2 m.

Tại thị xã Hương Thủy, ngập lụt xảy ra trên diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4 - 0,8m, có nơi ngập sâu từ 0,8 - 1,2m, bao gồm các phường Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Bằng.

Tại huyện Phú Vang, nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập trung bình từ 0,5 - 0,8m, gây cản trở giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A, tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5 - 0,7m với tổng chiều dài hơn 10 km.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến 14 giờ ngày 7/11, mưa lũ trên địa bàn đã làm 9 người chết, 3 người bị thương. Tại thị xã Hương Trà, mưa lũ cuốn trôi 80 lồng cá nuôi trên sông Bồ; ước tính có 322 tấn cá bị chết, trôi. Tại huyện Phong Điền, 370 rau màu các loại bị ngập, 30 ha cây ăn quả mới trồng có khả năng bị chết; hơn 100 tấn lúa bị ướt; 18,7 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, 130 lồng cá bị thiệt hại.

Tại huyện Nam Đông, hệ thống thủy lợi bị bồi lấp đập đầu mối và kênh mương 10,7 km; kênh mương xói lở hư hỏng 1,6 km; 9 đập đầu mối bị hư hỏng…

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương đang triển khai phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân. Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay biện pháp khắc phục thiệt hại theo phương án "4 tại chỗ", nước rút đến đâu khắc phục hậu quả đến đó. Việc vận hành hệ thống hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn cần đảm bảo an toàn, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa, không gây đột biến cho vùng hạ du.

Các địa phương, đơn vị chủ động triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tăng cường kiểm tra, rà soát, cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập, ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn.

Lực lượng chức năng nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không.../.

>> Hơn 45 nghìn ngôi nhà ở thành phố Huế vẫn ngập sâu 0,6 -0,8 m ​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục